“Phao cứu sinh” cho các start-up khởi nghiệp mùa dịch Covid-19
Doanh nghiệp khởi nghiệp bị ảnh hưởng về dòng tiền
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là các đơn vị mới hoạt động, dưới 3 năm, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là việc tiếp cận khách hàng, bị ảnh hưởng về dòng tiền, chuỗi cung ứng...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, Sở thực hiện thủ tục giải thể cho 1.706 doanh nghiệp (tăng 22% so với cùng kỳ), 7.435 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 5% so với cùng kỳ); Các ngành sản xuất công nghiệp, chế biến tiếp tục bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.
Các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín) vẫn nỗ lực duy trì sản xuất đảm bảo “mục tiêu kép” |
Đặc biệt đợt dịch hiện nay đã và đang tác động mạnh vào các khu công nghiệp, nơi tập trung phần lớn lực lượng lao động, những doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo khảo sát nhanh của các sở, ngành, hiệp hội của thành phố Hà Nội đối với khoảng 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt là nguy cơ gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng dây truyền từ các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics...
Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn cung, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Phát sinh nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh: Chi phí xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và công tác triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Các quy định về các biện pháp giãn cách xã hội cũng làm hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bảo lãnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn vốn
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhanh, kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt là nguy cơ gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng dây truyền sản xuất |
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: “Ở góc độ đơn vị triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đã và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo…
Đáng chú ý, doanh nghiệp thành lập mới được thành phố hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, phí chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, kinh phí dịch vụ chứng thực chữ ký số trong 1 năm đầu hoạt động, kinh phí khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới; Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến...”.
Để bảo đảm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xuyên suốt, liên tục, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là start-up) đã và đang khẳng định tiềm năng phát triển. Để khởi nghiệp thành công, vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hoạt động huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đã bước thêm được một bước tiến quan trọng kể từ khi có đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Trong đó, giải pháp hỗ trợ về tài chính, bên cạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nghiên cứu cấp bảo lãnh tín dụng.
Về thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, ngoài hỗ trợ tư vấn, thành phố miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu; Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất.
Để thúc đẩy liên kết ngành, chuỗi giá trị, thành phố miễn phí tra cứu thông tin, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng tại hội chợ thương mại, chi phí hợp đồng quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ chi phí đo, kiểm tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn…
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |