Không để "vi rút" tin giả phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch bệnh
Ngăn chặn làn sóng “vi rút" tin giả
Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Ngược lại, thay vì chung tay cùng cộng đồng chống dịch, một số cá nhân lại đang tiếp tay cho một loại vi rút mới, đó là "vi rút" tin giả hết sức nguy hiểm và độc hại.
Lợi dụng khả năng tương tác và tính lan tỏa của mạng xã hội, những người này đã tùy tiện đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh; Xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin; xuyên tạc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Nhằm câu like, câu view, những người này thường xuyên đăng tải các thông tin giật gân, rùng rợn như người dân tự thiêu để phản đối công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Thủ Ðức; Covid-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người... gây hoang mang dư luận.
Công an tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước các loại tội phạm |
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, thông tin thiếu căn cứ về hiệu quả của vắc xin, tùy tiện công kích nguồn gốc một số loại vắc xin, hình thành tâm lý so đo, kén chọn trong cộng đồng. Ðáng buồn trong số đó có cả những người nổi tiếng như MC, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên…
Theo thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong sáu tháng đầu năm 2021, trung tâm nhận được hơn 1,1 nghìn lượt báo cáo tin giả, xuất hiện nhiều nhất trên các mạng xã hội xuyên biên giới, như Facebook, YouTube và TikTok.
Nhiều nội dung trong số này liên quan đến Covid-19 tại Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp của vấn nạn tin giả đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh, ngày 23/7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTÐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng tăng cường việc phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp đăng tải, phát tin giả, tin sai sự thật.
Cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Thời gian vừa qua, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các đối tượng đã thực hiện nhiều thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, tác động vào tư tưởng, tình cảm của người tiếp nhận, gây tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi của Nhân dân đối với Đảng, gây bất ổn xã hội.
Hoạt động chống phá của các đối tượng diễn ra thường xuyên, liên tục, trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội nước ta. Đặc biệt là những thời điểm nhạy cảm, khó khăn của đất nước như cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an |
Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, các đối tượng thường sử dụng 3 nhóm thủ đoạn chính: Dàn dựng nội dung, phát tán và thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.
Để dàn dựng nội dung, các đối tượng thường triệt để lợi dụng "khoảng trống", "độ trễ" thông tin về dịch bệnh để tung ra những thông tin bịa đặt, những bình luận xuyên tạc. Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lồng ghép thật - giả; Giả mạo nguồn thông tin; Giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội hoặc giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, người nổi tiếng.
Các đối tượng cũng lợi dụng đặc tính lan tỏa nhanh của Internet, khai thác triệt để các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội để “phủ thông tin” tiêu cực đến đông đảo quần chúng Nhân dân; Tạo ra những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân bằng chiêu thức giật gân, kích thích tò mò.
Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng cũng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như sử dụng các trang mạng ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài; Sử dụng các tài khoản nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác... để phát tán thông tin xấu và đối phó, trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Để thiết thực ngăn chặn, xử lý kịp thời "vi rút" tin giả, về phía cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các chế tài pháp luật và nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó rất cần sự hợp tác, vào cuộc của toàn xã hội nhằm tạo "miễn dịch cộng đồng" trước làn sóng tin giả (fake news) đang lây lan nhanh.
Ngoài ra, mỗi cá nhân cần phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin chưa được kiểm chứng. Người dân chỉ tìm đọc thông tin từ các nguồn chính thống, kịp thời phát hiện những thông tin độc hại đang được lan truyền, phát tán để thông báo tới cơ quan chức năng; Đặc biệt là tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của Ðảng, Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19. Chính sự hợp tác, phát huy ý thức trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân sẽ tạo ra sức đề kháng của cả cộng đồng để chống lại mọi loại vi rút nguy hiểm.