Không ngừng nỗ lực để giúp cho mỗi người khuyết tật trở nên hạnh phúc
Nghị lực mãnh liệt
Ít người biết, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga cũng là một người khuyết tật. Từ khi còn nhỏ, chân phải của chị đã bị liệt, không thể đi lại như người bình thường.
Người phụ nữ sinh năm 1977 bộc bạch, bản thân luôn tâm niệm chỉ có tri thức mới có thể giúp cuộc sống của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì vậỵ, dù không may mắn mang trên mình khuyết tật bẩm sinh, chị vẫn không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức.
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, chị Nga mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi, nhưng đều bị từ chối vì khiếm khuyết nhỏ ở chân. Dẫu vậy, chị quyết không đầu hàng số phận. Tự thân tìm kiếm cơ hội kinh doanh, buôn bán trong khi chờ đợi cơ hội đến với mình.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng |
Cơ duyên đến khi chị được nhận vào đứng lớp môn Mỹ thuật tại Trường Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội). Chứng kiến những đứa trẻ thiếu may mắn, mang trên mình những dị tật bẩm sinh, ra trường đều rất khó khăn khi tìm kiếm việc làm đã thôi thúc chị Nga phải làm một điều gì đó để truyền nghị lực sống cho các em. Đó chính là lý do Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng được ra đời năm 2015.
Đến nay, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng đang cưu mang và giúp đỡ gần 40 nhân công, trong đó phần lớn là người khuyết tật. Doanh thu của hợp tác xã trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường khoảng 1 tỷ đồng. Chị Nga chia sẻ, thành quả có được là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều sở, ngành của thành phố Hà Nội, cũng như các tổ chức trong nước, quốc tế.
Năm 2016, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã công nhận Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng là “Cơ sở sản xuất của người khuyết tật”, cùng với đó là nhiều chế độ dành cho tổ chức chính trị - xã hội vì cộng đồng theo quy định của Nhà nước. Dự án “than sạch không khói” của Hợp tác xã cũng được tổ chức phi Chính phủ Thriive (Mỹ) ủng hộ, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất...
Người lao động làm việc tại Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái Tim Hồng |
Mới đây nhất, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng cũng vinh dự là một trong 29 đơn vị được nhận gói hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) dành cho “các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19”. Đây là sự ghi nhận, khẳng định những đóng góp quan trọng về lao động việc làm dành cho người khuyết tật của chị Đinh Thị Quỳnh Nga cùng tập thể Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng trong suốt 8 năm đã qua.
Khi được hỏi về mong muốn sau tất cả những nỗ lực trong thời gian dài đã qua, chị Đinh Thị Quỳnh Nga trầm ngâm một hồi, rồi bảo: “Tôi hy vọng các em khuyết tật rồi sẽ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Mong rằng người khuyết tật cũng sẽ có được nhiều hơn những cơ hội để khẳng định mình trong cuộc sống…”.
Luôn học hỏi, thay đổi và sáng tạo
Ngoài sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trồng nấm tươi, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng còn phát triển thêm dịch vụ in ấn, photocopy, dệt may với sản phẩm chủ yếu là khẩu trang. Còn nhớ giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành những năm 2020 - 2021, hợp tác xã đã may, ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch của huyện Sóc Sơn hơn 5.000 chiếc khẩu trang.
Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga tâm sự, cuộc sống luôn vận động không ngừng. Chính vì vậy, bản thân chị luôn phải học hỏi, thay đổi và sáng tạo để thích ứng.
Ngoài sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hợp tác xã còn trồng nấm tươi |
Nhận thấy loại hình chế tạo hạt gỗ có khối lượng phế phẩm khá lớn, trung bình mỗi tuần, xưởng mộc của hợp tác xã thải ra 3 tấn mùn cưa. Để tận dụng lượng mùn cưa thải ra, giảm chi phí sản xuất và hướng đến mục tiêu loại bỏ than tổ ong độc hại, hợp tác xã đã nảy sinh ý tưởng sản xuất than sạch không khói từ mùn cưa và các loại phế phẩm trong nông lâm nghiệp.
Nghĩ là làm, cuối năm 2019, chị Nga đã đầu tư máy móc, trang thiết bị. Bên cạnh tìm hiểu kiến thức trên mạng, chị còn đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nguyên liệu dùng cho đốt cháy. Cùng với hoàn thiện quy trình sản xuất, hợp tác xã đã thu gom phế phẩm nông, lâm nghiệp để sản xuất than sạch.
Hiện, khu xưởng rộng 400m2 với gần 10 nhân công (bao gồm nhiều người khuyết tật) đang sản xuất khoảng 2 tấn than sạch/ngày. Than sạch của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng được đánh giá là loại than “bốn không”: Không khói, không mùi, không độc hại và không chất kết dính. Đặc biệt, quá trình sự dụng cho thấy loại than này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với than tổ ong truyền thống.
“Than tổ ong có giá 2.500 đồng/viên, cháy được khoảng 30 phút. Trong khi than sạch không khói của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng thì cháy được 2,5 - 3 tiếng. Ngoài ra, than cũng có nhiệt lượng cháy cao hơn…”, chị Nguyễn Thị Nga, chủ một cửa hàng dịch vụ ăn uống tại xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), hiện đang sử dụng loại than này, cho biết.
Hiện hợp tác xã có bộ sản phẩm hạt gỗ (gồm 8 sản phẩm) đạt tiêu chuẩn “OCOP 4 sao” năm 2020 |
Theo đánh giá của phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, ý nghĩa lớn nhất từ than sạch “bốn không” của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng nằm ở khía cạnh bảo vệ môi trường. Đây cũng được xem là hành động thiết thực hưởng ứng Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội.
Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội (OCOP), Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng đã có 8 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng 4 sao. Bộ sản phẩm hạt gỗ mỹ nghệ của hợp tác xã cũng được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”.
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |