Kính "mắt thần” tặng người khiếm thị
![]() |
Sau hơn 4 năm nghiên cứu với 9 phiên bản, tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải 31 tuổi, giảng viên Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra kính "mắt thần" dẫn đường cho người khiếm thị...
Anh là một trong đại biểu thanh niên ưu tú tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII vừa được tổ chức tại Hà Nội
Duyên và nợ
Tốt nghiệp cấp 3, rời vùng quê nghèo Thanh Hóa, Nguyễn Bá Hải mang theo giấc mơ về những chiếc ô tô do mình tự chế tạo vào thành phố Hồ Chí Minh học tập. Tốt nghiệp chuyên ngành Ô tô tại Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Hải nhận được học bổng thạc sĩ ở Hàn Quốc. Tại xứ sở Kim chi, do say mê nghiên cứu, sáng tạo cộng với sự nỗ lực không ngừng Hải đã nhận được 3 bằng sáng chế do chính phủ Hàn Quốc cấp. Với số điểm tối đa 100/100 của luận văn thạc sỹ, Nguyễn Bá Hải tiếp tục học lên tiến sĩ chuyên ngành robot sinh học.
Sau khi hoàn thành bằng tiến sỹ về robot sinh học (cảm biến và giác quan của robot), anh từ chối công việc bên Hàn với mức lương tương đối để trở về Việt Nam giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh với nhiều dự án còn trăn trở.
"Khi còn là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh mình tham gia làm dự án băng nói cho người khiếm thị của Đoàn trường. Chương trình dở dang khi mình có cơ hội sang học bên Hàn Quốc. Vì vậy, mình luôn cảm thấy “mắc nợ” với những người khiếm thị" - Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải chia sẻ.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP. Hồ Chí Minh,
"Món nợ" đó càng lớn hơn khi rất nhiều lần Hải phải chứng kiến cảnh người mù không gắp được cá, thịt; uống bia phải thò tay xem bia còn hay hết; rơi đồ vật nhưng họ không biết làm sao tìm được; những người bán vé số bị lừa lấy tiền, vé số... và sang đường là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với họ. Lúc đó, anh đã luôn tự hỏi tại sao mình không phát triển giác quan mà người khiếm thị đã bị mất?
Anh bắt đầu lao vào nghiên cứu một thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị. Sau bao nhiêu đêm thức trắng phiên bản đầu tiên của chiếc kính "mắt thần" với hình dạng chiếc nón nặng gần 3kg với giá thành 20 triệu đồng ra đời. Để thử nghiệm sản phẩm anh tự bịt mắt mình liên tục 15 -30 phút, thậm chí vài tiếng. Những sinh viên nghiên cứu cùng anh cũng bị bắt buộc “đóng vai” người mù, ở nhà để trò chuyện, hiểu đặc tính, khó khăn cũng như thói quen đi lại của họ. Anh đã nghĩ chỉ mất một thời gian ngắn là có thể tạo ra một thiết bị hoàn chỉnh cho người khiếm thị nhưng thực tế không "như là mơ".
"Rất nhiều lần mình muốn dừng lại vì khó khăn về vấn đề tài chính, thử nghiệm không thành công hay “lời chê” thẳng thừng từ người khiếm thị. Thật may có nhiều người như bác bán gạo ngoài chợ, thầy hiệu trưởng hiểu công việc mình làm nên đã luôn đồng hành hỗ trợ" - Hải cho biết.
Không ngừng sáng tạo để phục vụ cộng đồng
Nhờ những người như thế, Hải đã bền bỉ theo đuổi ý tưởng của mình. Mất 4 năm nghiên cứu qua 9 phiên bản giờ đây kính "mắt thần" đã có hình dáng nhỏ gọn như chiếc kính thông thường. Điều đặc biệt nhất giá thành cũng giảm từ 20 triệu đồng xuống còn hơn 2 triệu đồng.
Khi mang mắt kính, bộ cảm biến của kính sẽ phát hiện vật cản phía trước và báo về hộp điều khiển, rồi truyền đến người khiếm thị bằng tín hiệu rung, giúp họ nhận biết được vật cản phía trước. Cho đến nay, với sự tài trợ kinh phí ban đầu của một số mạnh thường quân, Nguyễn Bá Hải và nhóm nghiên cứu đã sản xuất hàng trăm chiếc kính dành tặng thương binh và học sinh khiếm thị nghèo ở 12 tỉnh, thành trong cả nước. Có kính "mắt thần" các bạn khiếm thị có thể vui chơi với bạn bè đồng trang lứa kể cả những bạn sáng mắt và tự lập hơn trong cuộc sống.
Hiện đã có nhiều nơi đặt mua giải pháp công nghệ kính "Mắt thần" này của tiến sỹ Nguyễn Bá Hải với giá lên đến vài tỷ đồng nhưng anh nhất định không bán, mặc dù hiện tại vợ chồng anh vẫn thuê nhà trọ để ở.
"Ở Việt Nam có 1,2 triệu người mù, oái oăm họ lại là người nghèo tự mưu sinh... Tôi thấy mình thật vô nhân đạo nếu thương mại hóa sản phẩm này." - Hải tâm sự.
Bởi vậy, anh chỉ đồng ý hợp tác với một công ty phi lợi nhuận sản xuất chiếc kính "Mắt thần" với giá thành rẻ nhất với mong muốn 5.000 người khiếm thị ở Việt Nam có “mắt thần” để sử dụng trong thời gian tới đây.
Không dừng lại ở “mắt thần”, chàng trai trẻ tuổi nhiều hoài bão còn muốn cải tiến thiết bị này hơn nữa, có thể chiếc kính giúp người khiếm thị đọc sách, nhận biết được mệnh giá tiền, xác định được họ đang đứng ở đâu, nhận biết được đồ ăn… Xa hơn, anh mơ ước về trung tâm chăm sóc người khiếm thị, một địa chỉ giống “1080” cho người mù, sẵn sàng giúp đỡ họ bất cứ lúc nào.
Ngoài những ý tưởng giúp đỡ người khiếm thị, anh đồng thời cũng là "ông chủ" của dự án “Khóa học 1 USD” (mỗi người tham gia lớp học chỉ cần đóng học phí là 1 đô-la) dành cho những người yêu thích kỹ thuật. Đến nay đã thu hút khoảng 1.000 người ở khắp các tỉnh, thành phố tham gia.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết, năng lượng để anh không ngừng sáng tạo phục vụ cộng đồng là bởi tình yêu và niềm đam mê tình nguyện. "Ai biết cho đi cũng là biết nhận lại. Phụng sự và cống hiến cho xã hội chính là phục vụ cho chính bản thân mình. Vì vậy, mình không bao giờ băn khoăn sẽ nhận lại được gì khi làm việc thiện nguyện" - anh nói.
Thành Nam
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Lan tỏa thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường

Ca sĩ Đông Hùng truyền năng lượng tích cực tới công nhân

Khẳng định bản lĩnh cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên

Tìm việc làm cho thanh niên quận Hoàn Kiếm

Hành trình mở ra vũ trụ siêu anh hùng của chàng trai 9X

Lan tỏa năng lượng tích cực cho thanh niên công nhân

Những “bông hoa thơm” dâng Bác

Tìm kiếm tài năng nhí Việt Nam

Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, vươn mình trong kỷ nguyên số
