Kinh tế Đà Nẵng ứng phó rủi ro, khủng hoảng như thế nào?
Đà Nẵng: Tôn vinh 24 doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động Đà Nẵng: Tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ trên sông Vu Gia Đà Nẵng: Khẩn trương khắc phục sạt lở tại đèo Hải Vân |
Các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao những năng lực ứng phó với rủi ro, xử lý khủng hoảng cho kinh tế TP Đà Nẵng (Ảnh Út Vũ) |
Ngày 26/10, Trường Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, Hội Khoa học Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Trung Bộ và một số trường Đại học đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế TP Đà Nẵng”.
Hội thảo tập trung làm rõ các khía cạnh lý thuyết và kết quả phân tích thực trạng năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm qua, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Qua đó, đề xuất những định hướng lớn và các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế Đà Nẵng trong tương lai.
PGS. TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo |
PGS. TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, cho biết dịch COVID-19 và những tác động của thiên tai đã khiến nền kinh tế TP Đà Nẵng suy giảm tăng trưởng chưa từng có trong mấy năm trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, vấn đề cần giải quyết là quản trị khủng hoảng, ứng phó rủi ro ở góc độ kinh tế địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng được các kịch bản nhằm nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho nền kinh tế của thành phố.
Theo PGS. TS Võ Thị Thúy Anh, trong gần 3 năm qua, đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều ngành nghề kinh doanh bị tê liệt, hàng triệu doanh nghiệp bị phá sản, hàng trăm triệu người mất việc làm, người nghèo càng nghèo thêm. Thế giới đã buộc phải chi ra hơn 100 nghìn tỷ USD để ứng phó với đại dịch khủng khiếp này.
Theo thống kê cho thấy, năm 2021 GRDP của Đà Nẵng có cải thiện, tăng 0,18% so với năm 2020; quy mô GRDP của thành phố năm 2021 chỉ tương đương khoảng 91,98% của năm 2019. Trong trường hợp kinh tế thành phố không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 7,71% thì GRDP năm 2021 lớn hơn GRDP năm 2019 khoảng 15,42%.
Tại hội thảo Ban tổ chức cũng đã trưng bày hình ảnh các hoạt động bảo vệ môi trường, giải pháp và phát triển bền vững cho nền kinh tế xanh (Ảnh Út Vũ) |
Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế Việt Nam, trong đó thị trường tài chính là một nền tảng then chốt bảo đảm cho sự vận hành của nền kinh tế, thì quản trị rủi ro là trở nên càng cấp thiết và được xem là một công cụ quan trọng trong quá trình quản trị doanh nghiệp cũng như phát triển của tổ chức kinh tế.
Từ thực trạng hiện nay, tại hội thảo nhiều giải pháp đã được các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu kinh tế đưa ra nhằm quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng cho nền kinh tế quốc gia và kinh tế địa phương.
Theo đó, các giải pháp quản lý, ứng phó rủi ro trong các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Đà Nẵng được các chuyên gia phân tích, đánh giá, định hướng. Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp khả thi trong việc nâng cao năng lực cảnh báo sớm, ứng dụng các mô hình kinh tế lượng nghiên cứu những tác động đến hoạt động kinh tế, tài chính...
Cũng tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, tài chính của các nước phát triển và bài học cho Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Cùng với đó là các giải pháp về chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, thúc đẩy năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng của Doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi mau lẹ hiện nay của nền kinh tế toàn cầu đang đòi hỏi Chính phủ phải hành động nhanh chóng; Khả năng hưởng lợi từ các ngành nghề kinh doanh trong thời kỳ mới đang buộc lãnh đạo các doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt, lựa chọn để tái cơ cấu, chuyển đổi chiến lược kinh doanh nếu không muốn bị đào thải.