Kon Tum: Cận cảnh những cánh rừng tự nhiên bị đốt cháy, cạo trọc
Kon Tum: “Phát lộ” thêm quyết định cấp đất của Công ty 732 Kon Tum: Tăng cường ngăn chặn, xử lý buôn lậu qua biên giới Kon Tum: Kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn |
Dưới cái nắng oi ả, chúng tôi lần theo những vệt khói ít ỏi còn sót lại sau những lần họ “phanh thây” những cánh rừng tự nhiên tại xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi quản lý.
Ngồi nghỉ dưới một bóng cây ở bìa rừng sau chuyến xe chở từng bó mì (sắn) lên đỉnh đồi cao vời vợi, nhóm trai làng Đăk Psi mồ hôi nhễ nhại, trò chuyện huyên náo.
Thấy chúng tôi tò mò về khoảnh rừng tự nhiên phía trước bị đốt cháy nham nhở, một thanh niên trong nhóm niên cho biết, do người dân đốt để trồng mì.
Một khoảnh lớn rừng tự nhiên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi quản lý đã bị đốt cháy, cạo trọc (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Khi thấy chúng tôi vẫn đang băn khoăn, thanh niên này nói tiếp: “Hiện tại, nương rẫy của bà con đã bạc màu, năng suất cây trồng rất thấp và khó canh tác. Chính vì vậy, một số người dân đã lén lút để xâm lấn vào rừng tự nhiên để chiếm đất trồng mì. Mỗi năm họ xâm lấn, phát rừng một ít. Cứ như thế, những cánh rừng tự nhiên càng ngày càng bị thu hẹp”.
Theo lời hướng dẫn của nhóm thanh niên, chúng tôi men theo con đường đất đỏ giữa những sườn đồi để tìm lên những cánh rừng tự nhiên đang bị tàn phá.
Sau một hồi băng rừng, vượt suối trước mắt chúng tôi là những khoảnh rừng tự nhiên đã bị người dân đốt cháy, cạo trọc không thương tiếc. Trên đỉnh đồi, từng đống tro lớn mà người dân đốt vẫn còn sót lại.
Sát bìa rừng, những cây gỗ tự nhiên có đủ các loại kích thước nằm vắt vẻo, vương vãi khắp sườn đồi. Xung quanh đó, những cây gỗ lớn hơn cũng đều chịu chung “số phận”. Nhiều cây gỗ có dấu hiệu “chết đứng” do bị người dân tác động và không còn khả năng phục hồi.
Những cây gỗ tự nhiên đã bị chặt hạ, đốt cháy nằm trơ trọi giữa những cánh rừng (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Rời cánh rừng này, chúng tôi tiếp tục men theo những triền đồi cao dựng đứng, vực sâu thăm thẳm để tìm đến cánh rừng tự nhiên mà nhóm trai làng kia hướng dẫn.
Sau một hồi hì hục, lúc này toàn thân cũng đã thấm mệt, chiếc áo bắt đầu ướt sũng, chúng tôi chứng kiến một diện tích lớn rừng tự nhiên đã bị người dân đốt cháy, cạo trọc nham nhở.
Ngay dưới một thân cây có gắn biển “khu vực rừng của Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi - Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, chặt phá, lấy lâm sản trái phép” là la liệt những thân cây gỗ đã bị đốt cháy đen nhẻm, nằm rạp khắp nơi.
Tiến sâu vào cánh rừng này, từng mảng lớn rừng tự nhiên đã bị đốt cháy từ lúc nào, nhiều cây gỗ đủ các kích thước nằm “chết đứng”, cành lá héo rũ, gốc cây đã cháy xém.
Ở một cánh rừng khác, nhiều cây gỗ đã cùng chịu chung "số phận" , nằm "chết đứng" (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Được biết, Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi được giao quản lý, bảo vệ hơn 23.000ha nằm trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Ngọc Hồi nhưng khi xảy ra vụ việc không phát hiện được để ngăn chặn và xử lý tình trạng xâm hại rừng tự nhiên. Những cánh rừng tự nhiên “có chủ” nhưng lại chẳng khác nào “vô chủ”.
Theo đại diện Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi: “Trong mùa khô năm nay, công ty không phát hiện được vụ xâm lấn, đốt rừng làm nương rẫy nào”.
Câu trả lời của đại diện Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi cũng được ông Nguyễn Ngọc Phú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, xác nhận: “Thời gian vừa qua, Hạt Kiểm lâm không nhận được báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi về các vụ đốt rừng làm nương rẫy hay phá rừng trái phép”.
Cận cảnh những cánh rừng tự nhiên bị đốt cháy, cạo trọc