Kon Tum: Chủ động nghiên cứu, đẩy mạnh thông tin thị trường lao động
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thăm, tặng quà công nhân lao động Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ |
Người lao động tỉnh Kon Tum được quan tâm tư vấn, giới thiệu việc làm |
Chủ động thu thập thông tin
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có 720 hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tình hình lao động, việc làm trong những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định; Tình hình sản xuất kinh doanh và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh có 41 doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng với 1.724 việc làm trống, giảm 21,49% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,17% so với quý liền kề.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cân đối lao động, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, các cơ quan, địa phương của tỉnh đã chủ động thu thập thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tổ chức, nhu cầu tìm việc của người lao động và đăng tải thường xuyên trên trang thông tin điện tử việc làm và các nền tảng mạng xã hội; Thông tin doanh nghiệp đăng tuyển trên báo, đài địa phương, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động...
Theo dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng khoảng 12% trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Dịch vụ - thương mại...
Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc của người lao động tăng khoảng 10-20%, bao gồm lực lượng lao động nghỉ việc do doanh nghiệp tạm ngừng, giãn việc, lực lượng lao động chưa có việc làm, sinh viên tốt nghiệp ra trường, lao động chuyển đổi việc làm tiếp tục tham gia thị trường lao động; Nhu cầu tìm việc tập trung ở các lĩnh vực nghề như: Nhân viên kinh doanh, tài chính, bảo hiểm; Kỹ sư, kỹ thuật nông lâm nghiệp, cơ khí sửa chữa lắp ráp vận hành máy, thiết bị, xây dựng, điện công nghiệp; Công nhân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, may mặc...
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kịp thời nắm bắt tình hình bến động lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sử dụng lao động để có những giải pháp phù hợp; Đa dạng hóa các hoạt động kết nối cung, cầu lao động để người lao động nhận thức, tham gia lựa chọn việc làm phù hợp; Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với cơ sở dạy nghề trong đào tạo, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động và ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ. Đồng thời, các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ an sinh xã hội cho người lao động...
Thanh niên Kon Tum tham gia chương trình đối thoại về việc làm |
Tăng cường công tác đào tạo
Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, đến hết năm 2022, tổng số người từ 15 tuổi trở lên của tỉnh khoảng 395.773 người, trong đó 195.139 nữ, chiếm 49,32%.
Lực lượng lao động của tỉnh trong những năm qua tăng cả về quy mô và chất lượng. Ước tính đến cuối quý IV/2022, toàn tỉnh có 326.140 người thuộc lực lượng lao động.
Trong đó, lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 101.404 người chiếm 31,09%, khu vực nông thôn là 224.736 người chiếm 68,91% lực lượng lao động; Tỷ lệ nam tham gia lực lượng lao động chiếm 51,70% (168.616 người), và tỷ lệ này ở nữ là 48,30% (157.524 người).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ lao động có việc làm giữa hai khu vực thành thị và nông thôn không chênh lệch nhiều, khu vực nông thôn có tỷ lệ lao động có việc làm cao hơn khu vực thành thị 1,26 điểm phần trăm (99,63% và 98,37%).
Tỷ lệ lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể, ở mức 0,46 điểm phần trăm (99,46% và 99,0%).
Việc làm là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển đáng kể trong cơ cấu việc làm hiện nay, từ việc làm năng suất thấp sang việc làm có năng suất cao hơn.
Nếu như trước đây, có khoảng 80% lao động của tỉnh làm việc ở nông thôn và nông nghiệp, chỉ có một tỉ lệ nhỏ làm việc ở các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thì hiện nay đã có hơn 30% làm việc ở thành thị và trong khu vực kinh tế tư nhân.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế trí thức đã và đang tạo ra những việc làm mới hiện đại, có chất lượng, mang hàm lượng tri thức cao.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động; Nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.