Kon Tum: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kon Tum: Để phát triển du lịch phải bảo tồn văn hóa cồng chiêng Kon Tum: Nhận diện đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh Sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn |
Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Kon Tum - điểm đến hấp dẫn của du khách
Phát biểu tại hội nghị, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong những năm qua, du lịch tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển khá, với lượng khách tăng hàng năm. Năm 2023, tỉnh đón hơn 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 5.000 lượt khách quốc tế. Năm 2024, tổng lượt khách ước đạt 2,3 triệu, với số lượng khách quốc tế tăng lên 8.500 lượt.
Đến nay, tỉnh đã công nhận 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Tỉnh đang tích cực khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận thêm các điểm du lịch mới, góp phần mở rộng các loại hình du lịch, tăng sức hấp dẫn của Kon Tum đối với du khách trong và ngoài nước.
Cùng với sự phát triển, sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng, có nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu trong khu vực và cả nước. Tỉnh có những điểm nhấn du lịch nổi bật như: Du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh, cùng những trải nghiệm độc đáo như du lịch rừng gắn liền với sản phẩm sâm Ngọc Linh...
Đặc biệt, Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung tại Quyết định số 1128/QĐ-TTg ngày 8/10/2024 với những cảnh quan thiên nhiên, văn hóa độc đáo, giàu bản sắc... Theo thống kê, Kon Tum hiện đứng thứ hai sau Lâm Đồng về lượt khách đến trong khu vực Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, sự phát triển của ngành du lịch đã mang lại những chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Đặc biệt, không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn giúp người dân tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch cộng đồng, qua đó cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Kon Tum (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Kon Tum hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch
Kon Tum là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch, từ cảnh quan thiên nhiên độc đáo, văn hóa đặc sắc, đến hệ thống di tích lịch sử ý nghĩa. Nằm ở độ cao trung bình 500 - 700m, khí hậu trong lành mát mẻ.
Bên cạnh đó, Kon Tum sở hữu hệ sinh thái đa dạng gồm: Rừng, núi, sông, suối, thác nước và thảm thực vật phong phú; tỉnh có nhiều địa danh nổi bật như: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen với khí hậu mát mẻ quanh năm; Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, và Rừng đặc dụng Đăk Uy - những báu vật thiên nhiên mang giá trị bảo tồn và khám phá.
Kon Tum còn tự hào là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của 28 dân tộc anh em như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Rơ Măm, Brâu và các dân tộc khác… Những lễ hội truyền thống, nghi thức văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian và đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa nơi đây.
Quang cảnh Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Kon Tum năm 2024 (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Đồng thời, tỉnh Kon Tum sở hữu hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc: Nhà thờ Gỗ, Tòa Giám mục, Chùa Bác Ái, Cầu treo Kon Klor và nhà rông truyền thống là những biểu tượng không thể bỏ qua khi đến với Kon Tum; Di tích lịch sử Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi xe tăng T59 trở thành biểu tượng cho chiến thắng hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ; các làng du lịch cộng đồng như Kon Ko Tu và Kon Jơ Dri, đón gần 8.000 lượt khách mỗi năm, là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu văn hóa của đồng bào Ba Na.
Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tỉnh Kon Tum đã đặt ra các định hướng phát triển cụ thể, gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nhiệm vụ chính cụ thể như: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường.
Đại biểu tham quan, trải nghiệm các gian hàng OCOP mang những nét đặc trưng riêng của Kon Tum (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đầu tư, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh Kon Tum cũng sẽ cung cấp các chính sách hỗ trợ ưu đãi nhằm thu hút các dự án lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nông nghiệp; tập trung phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất ngành du lịch, nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách; xây dựng cơ chế hợp tác công tư, huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị tỉnh Kon Tum chủ động và tích cực hơn nữa để phát triển du lịch theo định hướng đã được xác định tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, tỉnh Kon Tum có khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng và nơi lưu giữ đa dạng nền bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đám ứng yêu cầu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng và hấp dẫn nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đề nghị, tỉnh Kon Tum cần chủ động và tích cực hơn nữa để phát triển du lịch theo định hướng đã được xác định tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.