Kỳ 16: Tâm ô nhiễm, môi trường ô nhiễm
Thu gom rác thải, bảo vệ môi trường |
- PV: Trên quan điểm của một vị thầy Phật giáo và là người rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, xin Ngài hãy cho biết mối quan hệ giữa tâm thức con người và môi trường?
- Ngài Gyalwa Dokhampa: Tại sao chúng ta gây ô nhiễm môi trường? Theo tôi, đó là do chúng ta không biết trân trọng môi trường thiên nhiên đẹp đẽ, đất, nước, sạch mà chúng ta có. Nếu không trân trọng thì ta sẽ không quan tâm bảo vệ môi trường thiên nhiên. Chúng ta tồn tại được nhờ đất, nước, không khí và những cánh rừng. Trân trọng thiên nhiên cũng là trân trọng cuộc sống của chính mình. Tôi nhận thấy rằng đời sống càng hiện đại, con người càng không biết thỏa mãn. Một nguyên nhân gây ra tình trạng này là do xã hội hiện đại và các phương tiện truyền thông luôn đưa ra thông điệp “Chúng ta không được thỏa mãn”.
Khi xem truyền hình, những quảng cáo về phiên bản mới nhất của xe hơi khiến ta không thỏa mãn với phương tiện di chuyển mình đang sở hữu. Quảng cáo một người nổi tiếng uống Coca Cola khiến ta không hài lòng với nước uống mình đang sử dụng. Một điều tôi thấy khá buồn cười là rất nhiều người trong chúng ta bỏ tiền mua nước khoáng đóng chai. Ở Bhutan, nước khoáng này có tự nhiên, tại các con suối trên núi mà người dân sử dụng hàng ngày.
Tuy nhiên, người Bhutan hiện giờ cũng bỏ tiền ra để mua các chai nước khoáng. Các chai nhựa đựng nước tạo ra rác thải cho môi trường và nước khoáng thì xuất xứ từ núi của Thụy Sĩ. Chả có bằng chứng nào cho thấy nước khoáng Thụy Sĩ tốt hơn nước khoáng Bhutan. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp luôn tìm cách khiến ta nghĩ rằng mình và những thứ mình có chưa đủ tốt.
Xã hội hiện đại luôn ngầm đưa ra thông điệp khiến con người không biết thỏa mãn. Vợ anh không đủ tốt, hãy tìm một cô vợ khác. Chồng chị không tốt, hãy kiếm một người khác. Đồ ăn nhà làm thường là đồ ăn lành mạnh song mọi người lại trả tiền để ăn những đồ ăn nhanh, làm sẵn từ thực phẩm không còn tươi mới và chứa nhiều hóa chất.
Vì thế, khi đọc sách và theo dõi truyền thông, chúng ta phải luôn tỉnh táo. Ai là người đứng sau các thông điệp và quảng cáo. Động cơ của họ là gì? Các loại đồ ăn nhanh và thức uống làm từ hóa chất liệu có khiến chúng ta khỏe mạnh và gọn gàng hơn không? Những nhà sản xuất các loại hàng hóa này chỉ quan tâm tới việc chúng ta tiêu dùng thật nhiều. Đấy là động cơ của họ.
Xã hội hiện đại là một xã hội thiếu sự hài lòng nên tất cả chúng ta đều không hạnh phúc. 20 năm trước Bhutan nghèo hơn nhiều nhưng đa số mọi người đều hạnh phúc. Hiện giờ đất nước phát triển hơn song nhiều người không thấy hạnh phúc. Tiếp theo, tôi muốn nói về sự ích kỷ. Đây là một nguyên nhân khiến chúng ta gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người trong chúng ta được dạy rằng môi trường hiện nay đang bị tàn phá. Tuy nhiên, ta không thực sự tin vào sự bình đẳng giữa mình và người khác. Chúng ta luôn thấy mình quan trọng hơn. Chừng nào vẫn có thể làm những thứ mình thích thì ta không quan tâm tới hậu quả của các hành động này tới môi trường. Chúng ta rất cần phải hiểu nghiệp nhân quả của việc gây ô nhiễm.
Theo các nghiên cứu khoa học, hàng triệu động vật bị chết do ô nhiễm rác thải nhựa mỗi năm. Nhựa không phân hủy được trong môi trường mà trong nhiều trường hợp sẽ tạo ra các hạt nhựa siêu nhỏ. Các loại động vật ăn chúng và tuyệt chủng. Rác thải nhựa được tìm thấy trong ruột của rất nhiều động vật như cá, rùa, chim, hải cẩu. Tại nhiều vùng biển, rác thải nhựa che kín mặt nước khiến mặt trời không thể chiếu qua.
Vì thế, chúng ta phải tự hỏi mình. Với niềm tin vào nghiệp nhân quả, trao tặng sự sống cho người khác và các sinh vật khiến ta có cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ. Ngược lại, rút ngắn và làm gián đoạn cuộc sống của các chúng sinh khác khiến cuộc đời ta đoản thọ. Vậy ta lựa chọn hành động nào?
Trên quan điểm của một người thực hành Phật pháp, tôi muốn mọi người thực hiện việc thu gom rác thải và làm sạch môi trường. Chúng ta có thể phân phát cho mọi người những túi được sử dụng nhiều lần để hạn chế túi plastic và thu gom các loại rác không phân hủy để đưa cho các cơ quan chức năng xử lý.
Bản thân tôi cũng đã từng thực hiện việc thu gom rác thải plastic và tôi thú thật lúc đầu tôi không hề thích việc này mà tôi làm vì theo thầy của tôi là Ngài Gyalwang Drukpa thứ 12. Tuy nhiên, khi nhặt rác tôi chợt nhận ra rằng mỗi khi ta vứt rác ra môi trường là ta thực hiện một hành động ích kỷ, ta thể hiện rằng mình không quan tâm tới các chúng sinh khác.
Mỗi lần ta nhặt rác, không đơn thuần là ta dọn dẹp những gì người khác thải ra mà còn là giúp cứu sống sinh mạng của các chúng sinh khác và môi trường. Trái ngược với hành vi xả rác, mỗi lần chúng ta nhặt rác là việc thực hành lòng từ bi tương đương như việc trì chú Om Mani Padme Hung của Đức Quan Âm.
Chúng ta cũng phải hạn chế việc gây ô nhiễm. Tôi hay lấy ví dụ là khi bày lễ dâng cúng lên Đức Liên Hoa Sinh và ta xả đầy rác từ việc chuẩn bị những đồ cúng dường thì đây không phải là sự cúng dường thực sự. Nếu chúng ta không đủ khả năng làm lợi lạc cho chúng sinh trong sáu cõi luân hồi thì tối thiểu phải hạn chế làm hại họ.
Nếu chúng ta nghĩ rằng thực hành Phật pháp là các khóa lễ và nghi thức là ta bị vướng mắc bởi hình tướng. Hiểu tinh túy của giáo pháp là niềm tin vào nhân quả thì ta sẽ tự động biết cách tích lũy công đức qua việc thực hiện thiện hạnh. Thu gom rác với động cơ làm lợi ích cho người khác là một thiện hạnh.
Có người thắc mắc tại sao trong kinh sách không thấy Đức Phật nói gì đến ô nhiễm hay việc làm sạch môi trường. Lý do rất đơn giản là thời đó chưa có ô nhiễm môi trường. Song Đức Phật luôn dạy rằng không được làm hại các chúng sinh khác và phải luôn làm lợi ích cho họ. Tóm tắt lại, quan điểm của tôi về vấn đề ô nhiễm môi trường là do chúng ta ích kỷ, không biết trân trọng thiên nhiên và bị ảnh hưởng bởi lối sống tiêu dùng, không bao giờ thỏa mãn do truyền thông. Thay vì tốn tiền làm lễ, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện việc tịnh hóa nghiệp xấu và tích lũy công đức bằng cách thực hiện các hành động làm sạch và bảo vệ môi trường.
Tôi khẳng định rằng thông qua đó, chắc chắn những nghiệp xấu khiến bạn đau ốm hay gặp chướng ngại sẽ được tịnh hóa. Việc cứu sống rất nhiều sinh mạng thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ giúp bạn tích lũy vô lượng công đức. Bạn không phải tiêu tốn một đồng nào khi thực hiện những hoạt động này.
- Khi nào thì Ngài bắt đầu ý thức về tầm quan trọng của các vấn đề môi trường?
- Đó là khi tôi bắt đầu tham gia những chuyến đi bộ hành hương vì môi trường. Tại những thành phố lớn ở các nước phát triển, tôi thấy người ta thường không ý thức về nguồn gốc của những thứ mình sử dụng hàng ngày. Ví dụ như nguồn nước chúng ta dùng không phải từ vòi nước hay các chai nhựa mà là từ các con sông, con suối. Nếu chúng ta gây ô nhiễm chúng thì sẽ không còn nước sạch để dùng. Lúa gạo không phải xuất phát từ siêu thị mà từ các cánh đồng với sự quan trọng của đất và nước sạch.
Lúc bắt đầu hành trình đi bộ hành hương, tôi cũng là một người theo chủ nghĩa tiêu dùng. Bậc thầy của tôi rất khéo léo trong việc sử dụng phương tiện phù hợp để giúp đệ tử tiến bộ trên con đường tu tập. Trong chuyến đi, Ngài không hạn chế những thứ chúng tôi muốn mang theo mà cho phép chúng tôi mang bất cứ thứ gì với một điều kiện là ai cũng phải tự bê vác hành lý của mình. Tôi mang theo một cái ba lô khổng lồ có đủ thứ bên trong. Vì hàng ngày phải mang trên lưng đống hành lý rất nặng nên tôi có ý muốn cho bớt chúng đi. Song không ai chịu lấy vì họ cũng không muốn khuân đống đồ đó theo.
Đây là thời điểm tôi nhận ra sự khác biệt giữa ham muốn và nhu cầu thực sự. Ham muốn không có giới hạn còn nhu cầu thì khá nhỏ bé.
Trong chuyến hành hương, chúng tôi đi bộ qua những nơi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, các ngọn núi, cánh rừng, bờ sông và nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên. Có những ngày rất nóng bức, khi nhìn thấy bóng cây chúng tôi đều mừng rỡ. Chúng tôi đi thành nhiều nhóm và số lượng cây có hạn nên ai cũng tìm cách chạy nhanh nhất để chiếm cái cây có nhiều bóng mát nhất.
Thầy của tôi bảo: “Các con có thấy mình thật ích kỷ không?”. Thầy thì chờ tất cả mọi người ổn định dưới bóng cây rồi mới nghỉ ngơi ở chỗ còn sót lại. Lúc này, tôi mới nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của cây cối. Từ những trải nghiệm của chuyến hành hương tâm linh này mà tôi nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Bên cạnh đó, bản thân là một người thực hành Phật pháp và một vị thầy Phật giáo, tôi thấy rằng nếu tin vào nghiệp nhân quả và việc thực hành tình yêu thương thì bảo vệ môi trường là một vấn đề thực sự quan trọng mà chúng ta cần dành thời gian và tâm huyết.