Kỹ sư cơ khí và niềm đam mê... ca cao
BMW R18 : Vẻ đẹp cơ khí cho đàn ông đích thực |
“Bẻ lái” bất ngờ
Tốt nghiệp khoa Cơ khí, chuyên ngành ô tô, trường Đại học Giao thông vận tải anh Huy về làm việc cho một công ty nước ngoài. Công việc của một kỹ sư khiến anh có những chuyến công tác dọc khắp miền Tây. Đó cũng là khoảng thời gian cho anh cái nhìn đầu tiên về cây ca cao Việt Nam. Những vườn ca cao bạt ngàn và rực rỡ. Anh tò mò tìm hiểu và cũng được nghe rất nhiều người bạn nước ngoài chia sẻ về loài cây này.
Cũng chính những chuyến đi đó khiến anh Huy chứng kiến một thực tế rất buồn. Rất nhiều vườn ca cao bị chặt bỏ do không tìm thấy đầu ra và giá cả bấp bênh nếu xuất khẩu hạt thô. “Khi đó, tôi đã đặt câu hỏi với những người nông dân: Tại sao chúng ta không tự sản xuất chocolate (sô cô la)? Tuy nhiên, điều tôi nhận lại chỉ là nụ cười, vì bà con chưa từng biết nó được làm ra như thế nào, thậm chí còn chưa từng ăn chocolate”, anh Huy kể.
Anh Nguyễn Hồng Huy nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2023 |
Được trực tiếp nếm thử vị ngọt thanh của những quả ca cao, vị đắng thơm kỳ diệu của những hạt ca cao lên men, anh Huy nhận ra cần phải làm điều gì đó để nâng tầm giá trị loài cây này. Anh bắt đầu nghiên cứu cách chế biến ca cao thành chocolate như một điều đầy bí ẩn và say mê. Anh Huy cũng quyết định từ bỏ công việc của kỹ sư cơ khí tập trung hoàn toàn cho việc chế biến ca cao thành chocolate.
Khi tập trung nghiên cứu anh Huy mới biết để sản xuất thành chocolate, chưa kể chocolate thượng hạng phải trải qua tới 10 công đoạn, máy móc vô cùng hiện đại. Tuy nhiên khi ấy anh chỉ có số vốn ít ỏi tích cóp từ khoảng thời gian đi làm. “Tài sản của tôi khi đó gần như chỉ có đam mê và khối óc. Trong khi hệ thống máy móc châu Âu, đặc biệt là Đức, Ý... cực kỳ đắt đỏ, vượt quá khả năng tài chính của tôi. Có những đêm tôi mất ngủ với muôn vàn câu hỏi, chẳng lẽ mình phải dừng bước? Nước ngoài làm được, tại sao mình lại không?”, anh Huy chia sẻ.
Những đêm không ngủ đó khiến anh Huy có ý tưởng táo bạo, tự chế tạo luôn dây chuyền sản xuất cho riêng cho mình. Dù có chuyên môn là kỹ sư cơ khí ô tô nhưng để làm ra một chiếc máy có đầy đủ cảm biến, điện tử, điều chỉnh nhiệt độ chuyên dụng của chocolate không đơn giản. Anh phải tự học thêm về kỹ thuật nhiệt nóng, lạnh, hệ thống cảm biến, điều chỉnh vận tốc dòng chảy...
Nâng tầm giá trị nông sản
Kiên trì và quyết tâm giúp anh Huy chế tạo máy thành công. Tuy nhiên vượt qua được khó khăn này anh lại phải đối mặt với thách thức khác. Để làm ra những thanh chocolate bóng mịn, tan chảy mượt mà, hương vị thơm ngon hoàn toàn không có chất bảo quản đòi hỏi anh phải tự nghiên cứu nhiều hơn. Anh cũng phải thử nghiệm rất nhiều lần mới ra được các sản phẩm chocolate đen, chocolate sữa thơm ngon như hiện tại.
Anh Nguyễn Hồng Huy |
“Năm 2017, lần đầu thấy viên chocolate được tạo ra từ chiếc khuôn bóng mịn lúc 12 giờ đêm, tôi xúc động không nói nên lời. Cách đó một năm, mọi ý tưởng còn trên giấy mà giờ đây những viên chocolate đẹp mắt đã thành hình”, anh Huy nhớ lại.
Đầu năm 2018, khi dây chuyền máy móc được hoàn thiện, anh Huy đã hoàn toàn tập trung cho việc sản xuất chocolate và mở nhà máy sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ vài loại chocolate ban đầu, đến nay, anh đã tạo ra hơn 20 dòng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao.
Anh Huy quyết định thành lập Công ty TNHH Sô Cô La Hallelu để sản xuất, chế biến ca cao và chocolate từ ca cao thu mua tại miền Tây cũng như các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, công ty thu mua trên 2 tấn hạt ca cao/ tháng với giá gấp đôi giá xuất khẩu hạt ca cao thô ra nước ngoài (tương đương 250 triệu đồng nguyên liệu). Điều này tạo đầu ra cho ca cao, giúp bà con yên tâm giữ 2 giống hạt ca cao ngon nhất thế giới tại Việt Nam là Criollo và Trinitario.
Đặc biệt, anh Huy cùng cộng sự đã sáng chế 6 loại máy sản xuất chocolate trong đó có những máy đầu tiên tại Việt Nam, giúp hoàn chỉnh quy trình, tự chủ công nghệ sản xuất. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ chế biến chocolate và ca cao 100% người Việt ra thị trường với giá chỉ bằng ½ so với nhập khẩu từ châu Âu có chất lượng cao đã đem lại tín hiệu tích cực. Mỗi tháng công ty đưa ra thị trường hơn 3 tấn sản phẩm, với hơn 20 loại sản phẩm từ ca cao. Trong đó có các sản phẩm mỹ phẩm như son môi chocolate đem lại giá trị cao cho ngành nông sản Việt.
Theo anh Huy, doanh thu hàng năm của công ty khoảng 4 tỉ đồng, lợi nhuận 1,2 tỉ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 18 thanh niên địa phương. Hiện tại, Hallelu đã xuất khẩu qua nhiều nước như Pháp, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Singapore, Dubai.
Với những thành quả đã đạt được, năm 2023, anh Huy được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của.
Giải thưởng Lương Định Của nằm trong chuỗi sự kiện Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2023, diễn ra ngày 13/11, tại Sóc Trăng, do Trung ương Đoàn tổ chức cùng sự đồng hành của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Dịp này, 42 nhà nông trẻ cùng 9 mô hình khởi nghiệp của cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông thôn năm 2023” đã được vinh danh tại giải thưởng. Đây là năm thứ ba liên tiếp, SABECO đồng hành cùng Trung ương Đoàn tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình thanh niên tiên tiến trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đóng góp vào mục tiêu chiến lược quốc gia về phát triển nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. |