Làm gì để tăng tính hấp dẫn cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp?
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp |
Anh Nguyễn Ngọc Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, hà Nội) cho biết, anh bị mất việc làm tại một doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn vào tháng 3/2021 và được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 4 triệu đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng. "Khoản tiền trợ cấp này đã giúp cuộc sống của gia đình tôi không bị rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn", anh Ngọc Anh chia sẻ.
Không hưởng trợ cấp một lần như anh Ngọc Anh, chị Mai Hồng Hạnh (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đã lựa chọn chính sách bảo hiểm thất nghiệp là tham gia khóa học nghề chế biến món ăn trong thời gian 3 tháng để chuyển đổi nghề nghiệp. “Sau khi hoàn thành khóa học vào đầu năm 2021, tôi mở hàng ăn tại nhà. Tôi tin đây là hướng đi mới để tăng thu nhập khi dịch bệnh được kiểm soát", chị Hạnh nói.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Tạ Văn Thảo cho biết, sau hơn 12 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (từ đầu năm 2009 đến nay), toàn thành phố đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho hơn 500.000 lượt người, trong đó có hơn 30.000 lượt người lựa chọn hình thức học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng khoảng thời gian trên, cả nước đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 6 triệu lượt người, trong đó có hơn 300.000 người được hỗ trợ học nghề...
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù số lao động bị thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng, nhưng quyền lợi của 100% số người tham gia chính sách này vẫn được bảo đảm. Riêng năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi tổng số tiền 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% (tương đương 6.217 tỷ đồng) so với năm 2019 cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số tiền chi trợ cấp thất nghiệp một lần là 17.898 tỷ đồng cho 1.004.729 lượt người, chi hỗ trợ học nghề là 148 tỷ đồng, chi đóng bảo hiểm y tế là 806 tỷ đồng.
Vai trò “phao cứu sinh” của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đã được kiểm chứng, nên thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Nếu như trong năm đầu tiên triển khai (2009), cả nước chỉ có gần 6 triệu người tham gia, thì đến nay, con số này đã tăng lên hơn 13 triệu người, bằng gần 90% tổng số người phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, con số này còn quá ít so với quy mô gần 50 triệu người đang có mặt trên thị trường lao động.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, hướng dẫn người lao động lập hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Theo nhiều chuyên gia, bảo hiểm thất nghiệp chưa thu hút đông đảo người lao động tham gia là do chính sách này mới tập trung cho người lao động làm việc ở khu vực kinh tế chính thức (có hợp đồng lao động), chưa hướng đến nhóm lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động). Trong khi đó, số lao động ở khu vực phi chính thức chiếm hơn 50% số người tham gia thị trường lao động.
Dưới góc độ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Tuấn Tú cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện còn nặng về giải quyết trợ cấp, chưa có giải pháp phòng ngừa để người lao động không rơi vào cảnh thất nghiệp. Một số nghề đào tạo cho nhóm lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, nên người mất việc không mặn mà lựa chọn.
Từ góc nhìn của người sử dụng lao động, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ để bảo đảm quyền và lợi ích cho tất cả các bên liên quan; đồng thời, có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, để thu hút lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn hình thức học nghề, từ ngày 15/5/2021, mức hỗ trợ cho nhóm lao động này tăng lên, trung bình là 1,5 triệu đồng/người/tháng (trước đó là 1 triệu đồng/tháng). Với nhóm người dễ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ đã xây dựng gói hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với tổng chi phí dự kiến là 4.500 tỷ đồng, áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2021 đến 31/12/2022...