Làm rõ dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm Halora
Bộ sản mỹ phẩm Halora đang được quảng cáo rầm rộ trên website http://myphamhalora.com/
Bài liên quan
Nhập lậu hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm Trung Quốc, chủ thẩm mỹ viện Thảo Vy khai gì?
Đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Sản xuất mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng, Nhật Việt Cosmetics tiếp tục bị xử phạt
TP HCM: Công ty Huyền Cò bị xử phạt vì quảng cáo không phép
Mỹ phẩm quảng cáo như thuốc chữa bệnh
Theo phản ánh, hiện nay trên thị trường đang lưu thông nhiều sản phẩm mỹ phẩm có thương hiệu “Halora”, do Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora là đơn vị phân phối, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường có dấu hiệu vi phạm pháp luật về sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm.
Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này có địa chỉ tại số 14 Phạm Ngũ Lão, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương; Đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thanh Vân, đăng ký hoạt động từ tháng 12/2016.
Gõ cụm từ khóa “Mỹ phẩm Halora” trên công cụ tìm kiếm Google, trong vòng 0,57 giây đã có khoảng 9.050 kết quả với đầy đủ các thông tin và hình ảnh về sản phẩm. Truy cập vào website http://myphamhalora.com/, được giới thiệu: “Mỹ Phẩm Halora ra đời với mục đích đem đến cho khách hàng những sản phẩm từ nguyên liệu thảo dược an toàn hiệu quả cao. Sản phẩm của Halora chuyên về điều trị mụn, đã thành công trên rất nhiều ca lâm sàng. Tự tin điều trị hiệu quả 100/100 ca. Trị được tất cả các loại mụn, kể cả những ca khó nhất, nhạy cảm nhất”.
Cũng trên website http://myphamhalora.com/, chúng tôi ghi nhận có trên 10 sản phẩm các loại đang được giới thiệu để bán ra thị trường, trong đó phần lớn là dòng sản phẩm về chăm sóc da và điều trị mụn, nám… Cũng tại đây, chúng tôi đặt mua một sản phẩm có tên “Thuốc trị mụn đông y, đặc trị mụn - mờ thâm mụn - đặc trị dị ứng”, loại 10g, nhãn hiệu Halora.
Sản phẩm “Thuốc trị mụn đông y” của Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora đang bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn mỹ phẩm |
Sản phẩm nhập nhằng công dụng giữa thuốc và mỹ phẩm |
Tuy nhiên, với sản phẩm mà phóng viên có được, mới chỉ quan sát bên ngoài bao bì đã lộ rõ nhiều dấu hiệu sai phạm về cách ghi nhãn mác. Nếu không phải là người tiêu dùng am hiểu rất dễ rơi vào “ma trận” thông tin, không biết đâu là mỹ phẩm, đâu là thuốc?
Cụ thể, sản phẩm “Thuốc trị mụn đông y” có thông tin khá sơ sài, ngoài việc ghi tên sản phẩm, công dụng, thành phần (thành phần công thức không ghi theo danh pháp quốc tế) và đơn vị chịu trách nhiệm đưa ra thị trường… thì sản phẩm này không thể hiện rõ nơi xuất xứ, không có số lô, số công bố, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định. Đặc biệt, sản phẩm này ghi công dụng nhập nhằng giữa mỹ phẩm và thuốc, rất khó để phân biệt.
Vi phạm về quảng cáo và ghi nhãn
Tương tự, ở một sản phẩm khác có tên “Serum mụn” do bạn đọc cung cấp cũng có thông tin gần như trùng khớp với sản phẩm “Thuốc trị mụn đông y”, chỉ khác nhau ở tên gọi nhưng về thành phần và công dụng thì gần như giống nhau. Cả hai sản phẩm này đều có tác dụng là “Đặc trị mụn - Mờ thâm mụn - Đặc trị dị ứng”.
Ở phần công dụng, hai sản phẩm này đều thể hiện: “Điều trị tất cả các loại mụn: Mụn bọc, mụn mủ, mụn viêm, mụn ẩn, mụn đầu đen…”.
Tuy nhiên, theo Công văn 1609/QLD-MP của Cục Quản lý Dược - Mỹ phẩm (Bộ Y tế) về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm và công bố tính năng mỹ phẩm thì các từ mang ý nghĩa chữa khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa trị” đều không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm.
Còn theo Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quy định về quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau: Tên mỹ phẩm; Tính năng, Công dụng của mỹ phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế; Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc…
Do đó, việc một số website, mạng xã hội đang quảng cáo cho các sản phẩm này nhưng không đúng bản chất của sản phẩm hoặc cường điệu hóa công dụng, dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng trong việc lựa chọn là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài hai sản phẩm nói trên, còn nhiều sản phẩm khác cũng có dấu hiệu quảng cáo thổi phồng công dụng, ghi nhãn không đúng quy định. Chẳng hạn như: Kem trị nám, tàn nhang, tái tạo da (ban ngày và ban đêm)... cũng được giới thiệu có tác dụng “ngăn ngừa và điều trị nuôi dưỡng trắng da, phục hồi da hư tổn”, khiến nhiều người nhầm tưởng sản phẩm này là thuốc chữa bệnh.
Địa chỉ Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora cũng là nơi kinh doanh spa có tên “Viện điều trị mụn Vân Nguyễn” |
Liên quan đến việc lưu thông sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, ngày 15/5, phóng viên đã liên hệ đến Sở Y tế Bình Dương. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, nếu đây là mỹ phẩm mà ghi công dụng “trị”, “điều trị” là không đúng với quy định về ghi nhãn sản phẩm. Do đó, theo ông Hùng, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan tiến hành kiểm tra, ra soát lại thông tin, chậm nhất đến ngày 25/5, Sở Y tế sẽ có thông tin phản hồi về vụ việc.
Cùng ngày, phóng viên cũng đã liên hệ đến Công ty TNHH Mỹ phẩm Halora để ghi nhận thông tin, hiện đang chờ phản hồi từ đơn vị này.
Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn sản phẩm
Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc ghi nhãn mỹ phẩm: Tên của sản phẩm và chức năng của nó; Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ (phải ghi rõ các thành phần theo danh pháp quốc tế); Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích, theo hệ mét hoặc cả hệ mét và hệ đo lường Anh; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng; Lưu ý về an toàn khi sử dụng.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.