Làm thế nào hạn chế bạo lực học đường?
Đánh bạn chỉ vì mâu thuẫn nhỏ
Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT quận Lê Chân (Hải Phòng), nhóm học sinh lớp 7 trường THCS Trần Phú đánh tập thể một nữ sinh trường khác sau giờ học và dùng điện thoại quay lại đưa lên mạng xã hội. Trước đó, hai nữ sinh N và V.A học tại trường THCS Ngô Quyền có mâu thuẫn và hẹn nhau kết thức giờ học ra phía sau Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật TP Hải Phòng để nói chuyện.
Nhóm nữ sinh lớp 7 đánh bạn ở Hải Phòng (Ảnh cắt từ clip) |
Sau đó, nữ sinh N đã gọi chị họ học lớp 7 tại trường THCS Trần Phú rủ thêm nhóm bạn tới. Khi gặp nhau, hai bên đã xảy ra xô xát. Đoạn video ghi lại cho thấy, các nữ sinh đã thay nhau giật tóc, tát, đạp vào người nữ sinh V.A. Khi bị đánh, nạn nhân chỉ biết ngồi xuống nền gạch và ôm mặt. Một số học sinh khác chứng kiến nhưng không can ngăn.
Không chỉ có những hành động thái quá, nhóm nữ sinh còn dùng nhiều từ ngữ thiếu chuẩn mực, lớn tiếng thách thức, chửi thề, sau đó quay lại video và đưa lên mạng xã hội.
Đại diện ban giám hiệu trường THCS Trần Phú và THPT Ngô Quyền cũng đã lên tiếng xác nhận vụ việc này, đồng thời tiến hành phối hợp và xử lý nghiêm.
Giáo dục kĩ năng ứng xử và bạo lực học đường
Sự việc trên không mới và chỉ là một trong rất nhiều cuộc ẩu đả, hành hung ở lứa tuổi học trò. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giai đoạn các bạn bắt đầu có những sự thay đổi về tâm sinh lý, nếu không được giáo dục kĩ năng sống sẽ rất dễ có những hành động, lời nói mất kiểm soát.
Một nữ sinh bị nhóm bạn đánh (Ảnh cắt từ clip) |
Nói về vấn đề đánh hội đồng ở học sinh, bạn Vương Thị Chung, học sinh lớp 9A trường THCS Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội chia sẻ: “Em thấy có rất nhiều vụ việc các học sinh cãi nhau, đánh nhau vì những chuyện không rất nhỏ. Em nghĩ chúng ta cần ý thức được những hành động mình đang làm để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.”
Hiện nay, nhiều học sinh vẫn chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng sống như cách ứng xử, lòng biết ơn hay sự tôn trọng và khoan dung… Vì thế, gia đình và nhà trường cần nắm được và đưa ra những phương pháp phù hợp để giáo dục, cảm hóa.
“Đây là lứa tuổi học sinh bắt đầu có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nếu như không được giáo dục những kiến thức về kỹ năng ứng xử, bạo lực học đường thì sẽ rất dễ xảy ra những vụ xích mích, ẩu đả. Gia đình và nhà trường cần dành thời gian để quan tâm và chăm sóc con cái nhiều hơn trong giai đoạn này”, cô Trần Thị Mai, giáo viên trường THCS Hữu Văn, Chương Mỹ cho hay.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội |
Nói về vấn đề bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Hiện tượng bạo lực học đường vẫn xảy ra mặc dù đã nhiều lần chúng ta lên án. Theo tôi, để giải quyết cần phải kết hợp đồng bộ giữa ba yếu tố: Nhà trường giáo dục học sinh bằng phương pháp hợp lý; Làm rõ trách nhiệm của gia đình và cuối cùng là về pháp luật. Chính quyền phải coi bạo lực học đường như một vấn đề cần xử lý triệt để, có hình phạt đủ răn đe để các trường hợp này không tái phạm nữa”.
Bạo lực học đường vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Việc giáo dục cho học sinh về cách ứng xử trong nhà trường là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình và xã hội cũng cần có biện pháp giáo dục, khuyên bảo để học sinh "đánh hội đồng" bạn học nhận ra lỗi và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.