Lần đầu tiên Quốc hội có đại biểu đại diện 2 dân tộc thiểu số rất ít người
Sáng 20/7, trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử lần này có số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 69,5 triệu cử tri và tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69,243 triệu cử tri (đạt 99,60%).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại kỳ họp |
Trong bối cảnh khó khăn, tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phương tiện đi lại khó khăn hoặc đang phải điều trị hoặc thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tự nguyện, hăng hái, tích cực tham gia bỏ phiếu.
Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).
Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra...
“Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Các cử tri cũng bầu 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng cho rằng, cuộc bầu cử lần này còn một số hạn chế, liên quan đến công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm và gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động. Việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú. Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định...
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử, chẳng hạn như việc đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; Việc tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn khó khăn,…; Thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất.
“Hội đồng Bầu cử Quốc gia tin tưởng rằng, với niềm tin và quyết tâm mới, Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin yêu của cử tri và Nhân dân cả nước” – ông Trần Thanh Mẫn nói