Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số tới mỗi người dân Thủ đô
Chuyển đổi xanh là trọng tâm, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tham luận tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” |
Tổ chức 14 hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2024 (10/10).
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo của Thủ đô và đất nước; thúc đẩy, phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, thành phố sẽ giới thiệu mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quảng bá, giới thiệu về các di sản văn hóa, di tích tiêu biểu của Thủ đô và trải nghiệm không gian văn hóa - nghệ thuật ứng dụng công nghệ số trình chiếu trải nghiệm thực tế ảo, công nghệ AI của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại thành phố Hồ Chí Minh; phát động nhân rộng mô hình “Chợ thông minh 4.0 - không dùng tiền mặt”, “Tuyến phố thương mại 4.0 - không dùng tiền mặt”; phát động triển khai sử dụng thí điểm ứng dụng quản lý, theo dõi phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận Tây Hồ; triển khai cung cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số miễn phí cho công dân tại bộ phận “một cửa” Sở Xây dựng.
Trong dịp này, thành phố cũng triển khai phát động, tuyên truyền, thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố, như: Hưởng ứng và tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam”; thực hiện cấp căn cước cho công dân, vận động cấp căn cước cho công dân độ tuổi dưới 14 tuổi; thí điểm mô hình trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Tây Hồ…
UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội là cơ quan đầu mối, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai các nhiệm vụ trên; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương và Hà Nội về Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Ngày Chuyển đổi số thành phố Hà Nội.
Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tập trung, phổ biến quán triệt toàn thể cán bộ công chức, viên chức tham gia đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thực thi công vụ; hỗ trợ người dân, tổ chức và doanh nghiệp cài đặt, sử dụng các nền tảng số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng sử dụng nền tảng số, đẩy mạnh mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, thanh toán các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, không dùng tiền mặt; tích hợp định danh trong các dịch vụ công, dịch vụ tài chính, lái xe, bảo hiểm…
Nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo của Thủ đô
Phát biểu tham luận tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra mới đây; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết về kết quả triển khai Kênh tương tác số giữa chính quyền thành phố với người dân qua ứng dụng iHanoi.
Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số", TP Hà Nội đã xây dựng và triển khai ứng dụng iHanoi nhằm tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.
Ứng dụng iHanoi đã tiếp nhận hàng nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân |
Ứng dụng iHanoi có mục tiêu bảo đảm sự tham gia giám sát của cộng đồng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền, cung cấp tiện ích cho người dân và tiếp nhận các sáng kiến đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô.
Từ tháng 10/2023, thành phố đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu, xây dựng quy trình nghiệp vụ, và lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm xây dựng nền tảng iHanoi.
Các giải pháp bao gồm: Sử dụng nền tảng điện toán đám mây (Cloud) giúp mở rộng tài nguyên và đảm bảo vận hành ổn định; xây dựng ứng dụng dựa trên kiến trúc phát triển phần mềm (với ứng dụng được xây dựng thành các thành phần nhỏ độc lập) và sử dụng các công nghệ lập trình mới để phân bổ tài nguyên linh hoạt và phát triển các tiện ích; tích hợp trí thông minh nhân tạo để cung cấp dịch vụ tương tác, trả lời, gợi ý tự động cho người dân và công chức...
Về an toàn thông tin, iHanoi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp độ 4, được giám sát 24/7 để đảm bảo an ninh an toàn cho hệ thống và dữ liệu của thành phố. Sau 8 tháng triển khai, nền tảng iHanoi đã hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức vào ngày 28/6/2024.
Sau 2 tháng triển khai (28/6 - 28/8/2024), ứng dụng iHanoi đã tiếp nhận 5.700 phản ánh, kiến nghị trong đó đã xử lý 3.940 đạt trên 70%, đang xử lý 29% và chỉ có 69 kiến nghị xử lý quá hạn, chiếm 0,02%.
Tính đến nay, đã có gần 800.000 người dân, doanh nghiệp và 100% công chức, viên chức thuộc Thành phố tạo tài khoản trên iHanoi. Tổng số lượt truy cập iHanoi đạt trên 6 triệu lượt; đã tích hợp 2,5 triệu sổ sức khỏe điện tử từ hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố lên iHanoi phục vụ người dân tra cứu…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của iHanoi để người dân hiểu và đồng thuận sử dụng.
Thành phố sẽ tích hợp iHanoi với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính và các nền tảng thanh toán trực tuyến. Đồng thời, TP kết nối iHanoi với nền tảng Quản trị và Cổng thông tin điện tử thành phố; tích hợp các tính năng như tìm tuyến xe buýt, đặt chỗ đỗ xe, tra cứu điểm thi, và tự động thông báo kết quả khám chữa bệnh; phát triển tính năng trợ lý ảo và Chatbot để hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân.
Về dự kiến định hướng kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an để cung cấp dữ liệu phạt nguội. TP phối hợp với Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông vận tải để cung cấp dữ liệu đăng kiểm; phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải để cung cấp dữ liệu giám sát hành trình.