Lắp đặt điện mặt trời áp mái, xu hướng phát triển nhanh tại Huế
Nhiều gia đình ở Huế đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà |
Lắp đặt ĐMTMN là chủ trương lớn của Chính phủ trong việc phát triển nguồn năng lượng xanh, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế cũng như nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của người dân. Theo đó, nhiều người dân ở Huế đã lắp đặt ĐMTMN, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Bà H.T.H (ở phường Xuân Phú, TP Huế) chia sẻ, từ ngày lắp đặt hệ thống ĐMTMN đến nay, mỗi tháng gia đình không chỉ giảm được tiền điện mà còn nhận lại hơn 2 triệu đồng tiền bán lại điện cho công ty điện lực.
“Từ khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời đã giúp giảm nhiệt rất nhiều cho ngôi nhà”, bà H chia sẻ.
Là một trong những người lắp đặt ĐMTMN đầu tiên tại Huế, anh Đặng Thanh Sơn chia sẻ, gia đình lắp đặt điện mặt trời gần 10kWp, trong quá trình sử dụng có nhiều thuận lợi...
“Lúc trước, nhà tôi sử dụng khoảng 8 triệu đồng/tháng tiền điện, từ khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, số tiền điện hằng tháng đã giảm từ 30 - 50%. Thời tiết ở Huế trước đây mưa nhiều nhưng bây giờ thì nắng tốt và kéo dài, vì thế việc đầu tư điện mặt trời là phù hợp. Phần điện dư thừa có thể bán được nên việc thu hồi vốn sẽ nhanh hơn...”, anh Sơn cho hay.
Tương tự, ông Vũ T.S (ở phường Phước Vĩnh, TP Huế) cho biết, gia đình ông lắp đặt ĐMTMN từ tháng 7/2019. Đến nay, tháng nào gia đình ông cũng đều đặn nhận tiền bán điện từ công ty điện lực. Riêng trong tháng 8/2020, gia đình ông S nhận được hơn 1 triệu đồng tiền bán điện.
Không chỉ có các hộ gia đình, theo xu hướng phát triển nhanh của ĐMTMN, một số doanh nghiệp có mặt bằng mái, vị trí thuận lợi cũng đã đầu tư hệ thống ĐMTMN và coi đây như giải pháp hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Lắp đặt ĐMTMN là chủ trương lớn của Chính phủ trong việc phát triển nguồn năng lượng xanh |
Theo Công ty Điện lực Nam Sông Hương (tỉnh Thừa Thiên - Huế), chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2020, đã có 83 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 702 kWp và ngành Điện đã chi trả hơn 400 triệu đồng tiền điện mua lại từ hệ thống của những khách hàng này.
So với năm 2019, từ chỗ chỉ có 59 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN thì đến nay con số này đã tăng lên 160 khách hàng. Sản lượng điện hệ thống ĐMTMN của khách hàng phát lên lưới trong 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 177.000 kWh, tăng hơn 100.000 kWh so với cả năm 2019.
Nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng, Điện lực Nam Sông Hương đã đơn giản hóa quá trình ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN, đồng thời khuyến khích khách hàng đăng ký bán điện MTMN qua các kênh tương tác trực tuyến như Zalo, email, website CSKH.
Ngoài ra, các hệ thống ĐMTMN của khách hàng sau khi lắp đặt công tơ 2 chiều đều được tích hợp với hệ thống quản lý đo đếm từ xa, giúp khách hàng có thể quản lý, theo dõi sản lượng phát lên lưới điện thông qua ứng dụng EVNCPC CSKH cài đặt trên smartphone.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1kWh ÐMTMN sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612kg CO2 và ước tính, chỉ cần khoảng hai triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ÐMTMN với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than.
Qua tính toán, đối với điện mặt trời dành cho hộ gia đình, công suất lắp đặt từ 1,5- 8kWp, suất đầu tư từ 21- 26 triệu/kWp, trong đó trung bình 1 kWp tạo ra được 4,88kWh/ngày nên sẽ tiết kiệm lượng điện tiêu thụ hằng tháng và có nguồn thu từ việc phát ngược điện trên lưới, thời gian thu hồi vốn từ 8 - 10 năm.
Đối với doanh nghiệp, công suất lắp đặt từ 30 - 100kWp, suất đầu tư từ 21 - 26 triệu/kWp, trung bình 1kWp tạo ra được 4,88kWh/ngày nên sẽ giảm tải điện năng tiêu thụ vào giờ cao điểm, thời gian thu hồi vốn từ 7 - 9 năm.