Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội không ngừng nỗ lực đổi mới, phát triển để phục vụ tốt mọi quyền lợi của người dân và doanh nghiệp
Bài liên quan
Hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp nhân ái của mỗi người dân Thủ đô
Báo chí luôn đồng hành trong công tác tuyên truyền các chính sách BHXH Việt Nam
Tăng tốc phát triển BHXH tự nguyện trong trạng thái bình thường mới
Nỗ lực thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân
BHXH Việt Nam đẩy mạnh cải cách hướng tới nền hành chính phục vụ
Bảo hiểm thất nghiệp: “Bà đỡ” của doanh nghiệp và người lao động
Đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ
Sau 25 năm hoạt động, BHXH thành phố Hà Nội không ngừng phát triển, góp phần bảo đảm đời sống xã hội, dân sinh trên địa bàn Thủ đô. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn toàn thành phố đạt gần 90% dân số Thủ đô, tương ứng với gần 7 triệu người. 100% người tham gia BHYT đều được bảo đảm các quyền lợi chính đáng.
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, hệ thống cơ quan BHXH trên địa bàn Hà Nội thực hiện đầy đủ quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho gần 16 triệu lượt bệnh nhân với tổng chi phí hơn 25.000 tỷ đồng.
Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, những năm qua, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên ngành bảo hiểm, chính sách BHXH thu hút hơn 1,7 triệu người tham gia, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,48 triệu người so với năm 1995. Trong đó có gần 40.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 1,6 triệu người, chiếm khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi, như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề trong giai đoạn không may bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, những năm vừa qua, BHXH thành phố Hà Nội đã tích cực đôn đốc thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ tiền bảo hiểm. Nhờ đó, tổng số thu từ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tăng liên tục, từ gần 117 tỷ đồng vào năm 1995, tăng lên gần 43.300 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 371 lần). Đến cuối năm 2019, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn thành phố là 913,9 tỷ đồng và tỷ lệ nợ là 1,98% so với kế hoạch thu, thấp nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, trong những năm qua, BHXH Hà Nội không ngừng cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công mức độ 3 và 4… Nổi bật là số thủ tục hành chính do ngành quản lý đã giảm từ 115 thủ tục vào năm 2014, xuống còn 28 thủ tục vào năm 2019.
Số giờ để thực hiện các thủ tục giảm tương ứng từ 335 giờ/năm, xuống còn 49,5 giờ/năm. 100% đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, trong đó có 97% đơn vị đã tham gia.
BHXH thành phố Hà Nội không ngừng phát triển, góp phần bảo đảm đời sống xã hội, dân sinh trên địa bàn Thủ đô |
Dẫn chứng về hiệu quả trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết: Hiện nay, BHXH thành phố đang quản lý hơn 83.000 đơn vị, doanh nghiệp với số người tham gia BHXH bắt buộc là 1,749 triệu người, tham gia BHYT 7,1 triệu người (chiếm 88,2% dân số Hà Nội); Chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho hơn 560.000 người hưởng; Ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 196 cơ sở y tế, thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho hơn 10 triệu lượt người, tiếp nhận và giải quyết 9,5 triệu hồ sơ/năm...
Để làm tốt được các nhiệm vụ được giao, BHXH Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý, minh bạch thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT.
“Năm 2016, ứng dụng công nghệ thông tin đầu tiên được triển khai là hệ thống thông tin giám định điện tử. Trong khi đó, BHXH thành phố được BHXH Việt Nam "chọn mặt gửi vàng", tiên phong ứng dụng các phần mềm "một cửa" điện tử, quản lý thu, giải quyết chế độ, chính sách và kế toán. Nhờ đó, các đơn vị sử dụng lao động không phải đến cơ quan BHXH nộp hồ sơ về BHXH, BHYT mà chỉ cần gửi qua hệ thống điện tử, kết quả được trả qua hệ thống bưu chính.
Phần mềm này cũng giải quyết chế độ chính sách giúp kiểm soát việc giải quyết chế độ hưu trí, thanh toán chế độ ốm đau, thai sản minh bạch, công bằng. Bởi phần mềm “một cửa” được kết nối với hệ thống thông tin giám định điện tử nên có đủ thông tin khám chữa bệnh của người dân để thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, tránh tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản”, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm
Theo kế hoạch, BHXH thành phố phấn đấu đến năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 1% và người tham gia BHXH đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025, tỷ lệ này tăng lần lượt lên 3% và 50%...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chỉ tiêu phát triển của ngành BHXH Hà Nội trong 5 tháng đầu năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra, thậm chí còn giảm so với năm trước. Đáng lo nhất là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp giảm gần 30.000 người so với thời điểm cuối năm 2019. BHXH tự nguyện mới thu hút hơn 37.000 người tham gia, chiếm một phần nhỏ lực lượng trong độ tuổi, đạt tốc độ gia tăng 4,5% (chỉ tiêu năm 2020 là tăng 30%).
Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa |
Do đó, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa kiến nghị, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động. Xây dựng nhanh hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, nhất là chính sách BHXH tự nguyện. Cùng với đó là hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH…
“Với trách nhiệm được giao, BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; Liên thông, chia sẻ dữ liệu với các Sở, ngành; Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH. Nói cách khác, trong mọi hoạt động, BHXH Hà Nội luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo, tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc”, Giám đốc BHXH Hà Nội nhấn mạnh.
Sáng 13/6, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn thành phố (15/6/1995 - 15/6/2020). Đến dự có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện các cơ quan, đơn vị và đông đảo cán bộ, nhân viên ngành BHXH.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của ngành BHXH trong chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Kết quả ngành BHXH đạt được trong những năm qua góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội có số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 3%, số người tham gia BHXH đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi; Mở rộng diện bao phủ đến 95% dân số... Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành BHXH đoàn kết, đồng lòng, thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Theo đó, toàn ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công mức độ 4, ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hồ sơ điện tử… Ngoài ra, ngành BHXH cần quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với thời kỳ đổi mới, hội nhập…