Lễ hội Đền Tiên La huyện Hưng Hà - Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh
Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã có nhiều giải pháp tăng cường bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống ở lễ hội, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể ở lễ hội Tiên La thuộc 2 xã Tân Tiến và Đoan Hùng.
Di sản văn hóa phi vật thể đền Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Internet) |
Từ thành phố Thái Bình, theo tỉnh lộ 223 khoảng hơn 30km về phía Tây Bắc sẽ tới thị trấn Hưng Hà. Từ đây rẽ phải đi 1km là đến đê sông Tiên Hương, rẽ trái đi dọc theo đê khoảng 3km nữa là đến đền Tiên La - nơi thờ Bát Nạn Tướng quân (tướng quân phá nạn cho dân) Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương) - một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã có công đánh quân xâm lược phương Bắc, được phong chiếu “Đông Nhung Đại Tướng Quân”. Theo sử sách bà Vũ Thị Thục sinh ra ở Trang Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phú. Ngay từ nhỏ, bà Vũ Thị Thục là người thông minh, văn võ song toàn, nhân dân trong vùng hết lòng ngợi khen. Năm 43 sau công nguyên, nhà Hán cho Tô Định dẫn đầu mang quân sang xâm lược nước ta, chúng đi đến đâu cũng cướp bóc của cải, giết hại nhân dân ta.
Trước sự hung hãn của kẻ thù Tô Định, bà Vũ Thị Thục đã tụ tập nghĩa quân cùng với 12 nữ tướng của Hai Bà Trưng đứng lên phất cờ khởi nghĩa, bà Vũ Thị Thục đã vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, sức người, tập trung chiến đấu lại kẻ thù phương bắc. Được nhân dân đùm bọc, nghĩa quân của bà Vũ Thị Thục đánh đâu thắng đó. Trước sức mạnh của Tô Định, bà Vũ Thị Thục đã xuôi dòng sông Hồng, sông Luộc về xuôi để củng cố lực lượng. Trong một trận chiến đấu ác liệt, bà Vũ Thị Thục đã anh dũng hy sinh tại gò Kim Quy thuộc địa phận xã Tân Tiến và xã Đoan Hùng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng tài ba văn võ song toàn, nhân dân trong vùng lập Đền thờ bà Vũ Thị Thục.
Lối kiến trúc “chồng diêm cổ các” có lưỡng long chầu nguyệt. |
Đền được xây tại gò Kim Quy (nằm giữa thôn Tiên La) theo đúng nguyên mẫu kiến trúc cổ “Tiền nhất, Hậu đinh”, từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng Lưỡng Long Chầu Nguyệt, trên diện tích gần 6.000m². Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc. Bao quanh đền là những rặng nhãn sum xuê, xanh tốt. Đền gồm các công trình chính như: tam quan ngoại, tam quan nội, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Qua tam quan ngoại, sân đền là đến tam quan nội, hai bên có Lầu cậu, Lầu cô. Đi tiếp sẽ đến nhà Tiền tế (5 gian), được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu các họa tiết như: “Long - Lân - Quy - Phượng” đan xen với “Thông - Trúc - Cúc - Mai”. Tại đây còn có những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn.
Kế tiếp là nhà Trung tế được xây dựng theo kiểu nhà phương đình, kiến trúc “chồng diêm cổ các”. Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng nhà đều bằng đá như hệ thống cột đá, xà đá, kèo đá… Hệ thống cột, kèo được chạm khắc rất tinh xảo, trong đó 4 cột cái chạm tứ linh, 12 cột quân chạm long vân, tám xà chạm “Thông - Trúc - Cúc - Mai” đan xen “Long - Lân - Quy - Phượng”, sườn cột và tám kèo đá chạm điểm băng hoa dây và chữ triện. Đi sâu vào bên trong sẽ đến Hậu cung được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, gồm 3 gian, trong đó, gian giữa đặt một ban thờ, trên có ngai và tượng thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, xung quanh thờ các tướng sỹ của Bà; gian bên trái thờ thân phụ, gian bên phải thờ thân mẫu của Bà. Trên nóc Hậu cung treo bức đại tự đề bốn chữ: “Vạn Cổ Anh Linh”. Tương truyền, đây còn là nơi đặt mộ của Bát Nạn tướng quân.
Tổng thể kiến trúc theo nguyên mẫu cổ: tiền nhất, hậu đinh. (Ảnh: Internet) |
Hàng năm, cứ vào dịp trung tuần tháng 3 âm lịch, nhân dân lại mở hội để tưởng nhớ công ơn của Bà. Ban Quản lý đền Tiên La thường tổ chức nhiều ngày lễ lớn (theo lịch âm) phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân và du khách như: 1 - 4 tháng Giêng tổ chức lễ Thượng nguyên, 10 tháng 3 tổ chức lễ cáo yết khai hội, rước nước; 1 - 17 tháng 3 tổ chức lễ hội đền Tiên La (chính hội ngày 17, trùng ngày mất của Bát Nạn tướng quân, ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão); 15 tháng 8 tổ chức đại lễ sinh nhật; 10 tháng 11 tổ chức lễ kỷ niệm ngày Bát Nạn tướng quân dấy binh khởi nghĩa.
Đến với lễ hội Tiên La, quý khách sẽ có nhiều ấn tượng đẹp với nhiều nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian độc đáo, trong đó có lễ rước nước trên sông là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc biệt, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của nhân dân sống với nền văn minh lúa nước sông Hồng. Nghi lễ rước nước với ý nguyện cầu mong tổ tiên trợ giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đoàn rước nước có 3 thuyền rồng, trống rong, cờ mở, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng đi từ Đền Tiên La ra sông Luộc lấy nước vào chum. Đi cùng đoàn rước nước, trên bộ có 80 đoàn rước kiệu mang liệt vị bà Vũ Thị Thục, kiệu ảnh Bác Hồ, kiệu Bát Cống và nhiều đoàn rước của các xã trong huyện và các đội múa lân.
Đền Tiên La được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 12/11/1986.
Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Tiên La xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà
Đường vào lễ hội Đền Tiên La – xã Tân Tiến – Đoan Hùng, huyện Hưng Hà.
Rước kiệu lễ hội huyện Hưng Hà