Lễ Kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô tại Cổ Loa
Hoạt cảnh đã tái hiện lại Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền
Bài liên quan
Dâng hương kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa
Dự Chương trình về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đào Việt Chung Trung, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Về phía lãnh đạo TP Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP; Phạm Quang Nghị, Nguyên Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP.
Cùng dự còn có các đại biểu đại diện các tỉnh, TP… cùng đại diện các sở, ban ngành TP Hà Nội và đông đảo quần chúng nhân dân huyện Đông Anh.
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm |
Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trình bày cho biết: Anh hùng dân tộc Ngô Quyền sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Ngay từ thửa ấu thơ, Ngô Quyền đã là người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú. Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ chọn ông làm nha tướng, yêu mến gả con gái và giao cho ông cai quản châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị viên thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ, sau đó cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Năm 938, nhà Nam Hán huy động lực lượng binh thuyền lớn tấn công xâm lược nước ta. Đoán trước được ý đồ “nội công, ngoại kích” của giặc, Ngô Quyền đã tập hợp các tướng lĩnh, hào kiệt, kéo quân từ Ái Châu ra nhanh chóng diệt trừ tên phản bội Kiều Công Tiễn và bè đảng đang đóng trong thành Đại La.
Trước thế giặc mạnh, Ngô Quyền một mặt kêu gọi, động viên nhân dân phát huy sức mạnh cố kết cộng đồng và khí thế độc lập của dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mũi tiến công của quân xâm lược. Mặt khác, ông chủ trương lợi dụng địa hình hiểm trở của vùng Đông Bắc bày một thế trận hiểm hóc và tập trung lực lượng mạnh để tiến hành trận chiến lớn, đánh bại quân Nam Hán ngay tại cửa sông Bạch Đằng vào mùa Đông năm 938.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trình bày Diễn văn Lễ kỷ niệm |
Sau chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng, đầu năm 939, Anh hùng dân tộc Ngô Quyền quyết định xưng Vương, lập nên nhà Ngô, chọn Cổ Loa làm Kinh đô, tạo nên bước ngoặt vĩ đại của lịch sử đất nước, chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển huy hoàng của quốc gia Đại Việt.
“Kể từ mùa Xuân năm Kỷ Hợi 939 lịch sử đến nay vừa tròn 1.080 năm. Hôm nay, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm sự kiện có ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt này, nhằm góp phần tiếp nối truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ ông cha; khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn sự nghiệp trung hưng đất nước của vua Ngô Quyền trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt” – Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Các tiết mục tại Chương trình |
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng cho biết, năm 2019, bên cạnh những thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tự hào phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được, thành phố Hà Nội quyết tâm tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động đổi mới, đoàn kết - sáng tạo, nắm bắt thời cơ, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng để góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại.