Linh hoạt các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô hậu đại dịch Covid-19
Nhìn lại kinh tế Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19
Giai đoạn 2016 - 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thủ đô trung bình tăng 7,38%/năm, trong khung kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, trung bình tăng 6,73%/năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GRDP tăng 4,18%. Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố đã quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 từ 7,5-8,0%. Kế hoạch năm 2021 đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,5%.
Nhìn chung, năm 2020, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì khá tốt các động lực tăng trưởng, với sản xuất nông nghiệp là khu vực ghi nhận tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung và cao hơn mức tăng của nhiều năm qua, với giá trị tăng thêm ước đạt 4,2%. Việc năng suất cây trồng đạt khá và chuyển đổi cơ cấu theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, vải...), cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn thành phố tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2020 tăng 3,29%... Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 16,0 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm 2019.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm mô hình sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao |
Cũng trong năm 2020, thành phố tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển" với tổng dự án được cấp chứng nhận đầu tư tăng gấp 5 lần và vốn đăng ký tăng gấp 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,724 tỷ USD. Lũy kế đến cuối năm 2020, thành phố có 6.376 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 47,7 tỷ USD; Vốn giải ngân khoảng 29,1 tỷ USD.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm, lây lan rất nhanh đã khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9 trong các lĩnh vực: Du lịch, vận tải, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí...
Theo thống kê, khách du lịch quốc tế tháng 7 giảm 12%, tháng 8 giảm 48%, tháng 9 giảm 75,2%; Lũy kế 9 tháng giảm 82,7%. Khách du lịch trong nước giảm tương ứng 71,2%, giảm 97,4% và giảm 42,1%. Doanh thu vận tải, kho bãi lũy kế 9 tháng giảm 1,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 9 tháng giảm 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lũy kế 9 tháng giảm 4,4%.
Hoạt động công nghiệp, xây dựng, tuy tháng 7 vẫn tăng so cùng kỳ nhưng sang tháng 8 và 9 đã giảm mạnh. Trong 8 tháng năm 2021, có 16.615 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 7%) với số vốn đăng ký là 224.830 tỷ đồng (giảm 7%); 2.204 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 36%); 9.284 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 19%).
Thành phố Hà Nội cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do Covid-19 |
Tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 25,3% dự toán, bằng 75,1% so với cùng kỳ năm 2020; Ước 9 tháng năm đạt khoảng 32% dự toán Chính phủ giao. Hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng; Thiếu nguồn cung lao động; Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn...
Linh hoạt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế hậu đại dịch
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quý IV/2021 được UBND TP Hà Nội nhấn mạnh là: Giữ vững thành quả chống dịch; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế.
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ 95-97% kế hoạch năm 2021 là một trong những nhiệm vụ kinh tế và chính trị quan trọng nổi bật trước mắt. Do vậy, thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh công tác lập, thẩm định và phê duyệt, giải quyết các thủ tục về đầu tư, xây dựng của dự án.
Về thu hồi, giải phóng mặt bằng và giao đất, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách cần hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đúng cam kết; Điều chỉnh kế hoạch vốn tập trung cho các dự án cấp bách và có khả năng giải ngân đáp ứng tốt các yêu cầu hiện hành…
Thành phố cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động cho các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 |
Thành phố cũng quyết liệt thực hiện thu ngân sách ở mức cao nhất theo mục tiêu, kế hoạch được giao; Phát huy hết dư địa các khoản thu, nguồn thu ngân sách, tăng thu về đất nhất là thu đấu giá quyền sử dụng đất và tiền thuế - tiền thu đất phải nộp khi hết thời gian được gia hạn; Đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và hạn chế tối đa phát sinh các khoản nợ thuế mới; Giải quyết ngay hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư nông thôn, đất vườn liền kề của các hộ gia đình, cá nhân sang đất ở nhằm vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa góp phần thu ngân sách địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn cần đảm bảo tiến độ quy định về tổ chức rà soát, đề xuất lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.
Việc phục hồi, phát triển kinh tế cần được triển khai quyết liệt theo quan điểm bám sát chỉ đạo Trung ương và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025, bảm đảm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, với tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh phải cao hơn tiêu chí chung của cả nước.
Hà Nội cần lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa làm trung tâm phục vụ, hỗ trợ toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, vừa là chủ thể tích cực tham gia phòng chống dịch bênh; Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thành phố ở mức cao nhất trong quý IV và cả năm 2021, làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo, ngay từ đầu tháng 10/2021.
Trong quý IV, Hà Nội xây dựng kế hoạch và kịch bản phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh (Ảnh minh họa) |
Để đạt mục tiêu đó, lãnh đạo thành phố cần yêu cầu các cấp ngành, địa phương và đơn vị phải bắt tay ngay vào rà soát khả năng, nguồn lực phát triển, các nhiệm vụ, công việc, chỉ tiêu phải thực hiện trong quý IV để xây dựng kế hoạch và kịch bản phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương cụ thể theo các tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, thành phố phân công nhiệm vụ, thời gian và yêu cầu hoàn thành cụ thể từng cấp, cá nhân lãnh đạo, từng ngành, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện; Xây dựng và thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp theo kết quả kiểm soát dịch bệnh cụ thể trên thực tế địa bàn; Thành lập và triển khai hoạt động của các tổ công tác của thành phố Hà Nội về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do Covid-19.
Đặc biệt, việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các dự án khởi nghiệp sáng tạo cần đồng bộ cả về thể chế và tài chính - tín dụng, bao quát các công đoạn, yếu tố đầu vào - đầu ra và quản trị kinh doanh; Tập trung triển khai nhanh, đầy đủ và hiệu quả nhất các chính sách và quy định chung của Chính phủ về cơ cấu nợ và giảm lãi suất, phí tín dụng; Gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; Giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông; Các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động cho các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thành phố cũng cần nghiên cứu, hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp và bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thuận tiện trong và giữa các địa phương; Đặc biệt, xử nghiêm các hành vi nhũng nhiêu, tiêu cực làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân …
Trong sản xuất nông nghiệp, thành phố Hà Nội cần tăng cường chương trình “Liên kết 4 nhà” và tiêu thụ nông sản hỗ trợ bà con nông dân |
Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy nhanh giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh; Tổ chức các hội nghị đối thoại để nhận diện và giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho các cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và trong sản xuất nông nghiệp; Tăng cường chương trình “Liên kết 4 nhà” và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển 400 sản phẩm OCOP năm 2021...
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng trên địa bàn thủ đô cũng cần phối hợp với các cơ quan Trung ương và các địa phương liên quan để xây dựng và triển khai các giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng, hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa vận hành thông suốt liên tỉnh và liên quốc gia, tránh để doanh nghiệp bị phạt do chậm cung ứng hoặc bị hủy đơn hàng, mất khách hàng, mất thị trường trong nước và quốc tế.
Phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội sau thời gian dài giãn cách nghiêm ngặt là nguyện vọng và quyền lợi chung của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng địa bàn, nhóm ngành cần được thường xuyên cập nhật, hiệu chỉnh quán triệt và bám sát các văn bản, chủ trương chỉ đạo chung của Trung ương, cũng như phù hợp phân cấp quản lý Nhà nước hiện hành và đặc thù thực tiễn địa phương …
Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào tiến độ và mức độ giãn cách xã hội theo kết quả kiểm soát dịch Covid-19. Dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế - xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có những tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển…
Với những giải pháp chủ động, toàn diện và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kỳ vọng Hà Nội tiếp tục phục hồi và phát triern kinh tế bứt phá hơn, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7% trong quý IV và mức là 4,5-5% cho cả năm 2021.