Lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang được xuất khẩu sang Nhật Bản
Lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không
Bài liên quan
Bắc Giang chuẩn bị xuất khẩu vải thiều tươi sang Nhật Bản
Chiếu xạ lô vải thiều đầu tiên để xuất khẩu sang Australia
Bắt đầu phiên chợ vải thiều Thanh Hà giữa lòng Hà Nội
Huyện Thanh Hà đẩy mạnh tìm đầu mối tiêu thụ vải thiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Sắp diễn ra Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội
Vải thiều Bắc Giang đạt món ăn đặc sản Đông Nam Á
Sau khi hết thời gian cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định, các chuyên gia Nhật Bản đã đến Bắc Giang giám sát quá trình khử trùng vải thiều và trong ngày 19/6, 1 tấn vải tươi đầu tiên được xuất khẩu sang đất nước mặt trời mọc bằng đường hàng không.
Để gia tăng giá trị kinh tế cũng như khai thông các thị trường tiềm năng, mùa vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh việc khuyến khích bà con nông dân áp dụng triệt để quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng với diện tích hơn 100ha vải thiều được cấp phép đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không |
Bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho rằng: Quả vải thiều được phép xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản, đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc định vị giá trị thương hiệu nông sản nước ta trên thị trường thế giới.
“Năm nay là năm đầu tiên công ty chúng tôi xuất khẩu vải tươi vào thị trường Nhật Bản. Không giống như các mặt hàng rau, củ quả xuất khẩu theo dạng qua chế biến như trước đây, quả vải vào thị trường Nhật Bản đánh dấu bước ngoặt lớn của nhà nước và bà con nông dân, tất cả đã hết sức nỗ lực để có thành công, từ đó định vị được giá trị quả vải với chất lượng tốt nhất”, bà Nhâm cho biết.
Hiện nay, các chuyên gia Nhật Bản đang có mặt tại Bắc Giang để giám sát quá trình sơ chế, khử trùng và đóng gói vải thiều trước khi xuất khẩu. Tính đến thời điểm này, 5 tấn vải đã được xử lý tại một cơ sở ở huyện Lục Ngạn. Đây là một trong 3 cơ sở khử trùng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phía Nhật Bản công nhận đủ điều kiện sơ chế, khử trùng trước khi đóng gói xuất khẩu.
Theo quy định của Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch, xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép nhập khẩu vào nước này.
Theo yêu cầu của MAFF, vải thiều xuất khẩu vào Nhật Bản phải trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong thời gian hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang |
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: Việc mở cửa thị trường Nhật Bản là tiền đề quan trọng để quả vải và hàng loạt nông sản khác của nước ta tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới.
“Đối với thị trường Nhật Bản, khi quả vải thiều đã khai thông thị trường với các yêu cầu khắt khe nhất, đây sẽ là căn cứ về mặt khoa học và thực tế, tạo thuận lợi để sau này Việt Nam tiếp tục mở cửa xuất khẩu cho các loại trái cây khác vào thị trường này. Bước tiến mới này cũng đồng thời là cơ sở để Việt Nam đàm phán với các quốc gia khác dễ dàng hơn mỗi khi mở thị trường mới”, ông Tùng đánh giá.
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nhất là Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ lựa chọn và cấp 19 mã số vùng trồng đủ điều kiện, diện tích 103ha với 107 hộ nông dân tham gia sản xuất vải thiều, ước sản lượng đạt trên 600 tấn.
Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo xây dựng cơ sở xông hơi, khử trùng, bảo quản, đóng gói sản phẩm, phân tích mẫu sản phẩm tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Phố Kim, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) phục vụ cho xuất khẩu vải thiều.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây khó khăn cho công tác tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện các biện pháp chuyên môn. Đồng thời có văn bản báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cho phép thương nhân, chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đến Bắc Giang thu mua vải thiều. Các trường hợp vào Bắc Giang đều phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Kế hoạch, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam sẽ xuất khẩu hai tấn vải thiều đầu tiên sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không. Từ ngày 20/6/2020 trở đi các Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty Cổ phần Quốc tế BamBoo… tiếp tục xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản qua đường biển và đường hàng không.
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua, tiêu thụ.