Loại bỏ kịp thời các nguy cơ gây tai nạn cho trẻ em dịp Tết Trung Thu
Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ
Trước hàng loạt các vụ cháy nổ xảy ra thường xuyên thời gian gần đây khiến nhiều bậc phụ huynh dè dặt khi cho các con sử dụng các loại đồ chơi Trung thu. Không chỉ vậy, các loại hình giải trí như: Múa sư tử phun lửa càng khiến nhiều người thêm lo lắng.
Chị Nguyễn Phương Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Thông thường cứ mỗi dịp Trung thu đến, trên khắp con phố nhà tôi sẽ rạo rực tiếng trống của đội múa lân truyền thống. Con thích lắm nhưng tôi ít khi đưa con đi xem. Nếu có đưa thì chỉ cho con đứng khoảng cách an toàn. Vì lúc biểu diễn, các đội lân thường có tiết mục ngậm xăng phun lửa rất nguy hiểm.
Cũng theo chị Thanh, đồ chơi Tết Trung thu của các cháu bây giờ không chỉ là những thứ đồ bằng tre, bằng giấy mà chạy bằng pin, pin sạc rất đa dạng nhưng nếu chủ quan, cháy nổ là chuyện thường tình. Do vậy, chị Thanh cũng quan ngại khi đồ chơi bằng nến rất dễ dẫn đến những hiểm hoạ cháy nổ.
Tết Trung thu truyền thống vốn là ngày dành cho thiếu nhi, cũng là dịp để ông bà, cha mẹ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của mình với con cháu |
“Tôi rất lo ngại những tình huống cháy nổ sẽ xảy ra khi các cháu sử dụng các đồ chơi Trung thu chứa các nguyên, vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao. Với món đồ chơi sử dụng nến như đèn trung thu, đèn kéo quân, tôi đều phải thay nến bằng những những loại đèn khác sử dụng nguồn pin vô hại. Như vậy, các con vừa có một trung thu vui vẻ đúng nghĩa, vừa đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tết Trung thu truyền thống cũng cần có sự thích nghi để phù hợp hơn với thời đại”, chị Thanh bộc bạch.
Ngoài ra, chị Thanh cũng đề nghị mỗi gia đình nên hạn chế việc thực hiện các hoạt động đốt lửa trại; Sử dụng pháo hoa vào đêm phá cỗ Tết Trung thu tại gia hay trong các khu vực công cộng nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình và người thân.
Để trẻ em vui Tết Trung thu an toàn, trọn vẹn
Trong dịp Tết Trung thu, các địa phương không chỉ bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ cho trẻ em khi sử dụng các đồ chơi Trung thu chứa các nguyên, vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao, mà còn phải hạn chế đốt lửa trại, pháo hoa trong các hoạt động phá cỗ trông trăng tại gia đình và các khu vực công cộng.
Mới đây, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam vừa có công văn số 645/TE-CSTE đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu năm 2023.
Theo đó, các địa phương cần bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ cho trẻ em khi sử dụng các đồ chơi Trung thu chứa các nguyên, vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao như đèn ông sao, đèn lồng có đốt nến, bóng bay sử dụng khí dễ bắt lửa gây cháy nổ...
Đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, gây ngộ độc đối với các sản phẩm đồ chơi được cất giữ, lưu thông, mua bán trong dịp Tết Trung thu. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc cho trẻ em đối với các loại bánh, kẹo, trái cây, đồ uống và các loại thực phẩm khác được sử dụng trong các hoạt động Tết Trung thu.
Cùng với đó là bảo đảm an toàn đối với các phương tiện giao thông và các tuyến đường có số lượng lớn trẻ em và người dân tham gia giao thông trong dịp Tết Trung thu.
Trong dịp Tết Trung thu, các địa phương cần bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ cho trẻ em |
Cục Trẻ em cũng đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra trước và trong khi tổ chức các hoạt động Tết Trung thu để ngăn chặn, loại bỏ kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em và người tham gia.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 25 triệu trẻ em. Hoạt động tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em là tuyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để đảm bảo cho trẻ em trên mọi miền đất nước cùng được vui đón Tết Trung thu năm 2023, trước đó, ngày 30/8, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân để thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em.
Trong đó quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 191/KH-UBND Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn thành phố năm 2023. UBND thành phố yêu cầu 100% UBND các quận, huyện, thị xã ban hành kế hoạch chỉ đạo và tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em an toàn, thiết thực.
Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn thành phố, với tên gọi Đêm hội Trăng rằm 2023, vào lúc 20h ngày 29/9/2023 (tức ngày 15/8/2023 Âm lịch, thứ Sáu) tại huyện Ba Vì.
Cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch và tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em từ ngày 24/9 đến 29/9 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tất cả trẻ em đều được đón Tết Trung thu, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở các địa bàn khó khăn và trẻ em vùng dân tộc, miền núi.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có các hoạt động chăm lo cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu. Đồng thời tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhân dịp Tết Trung thu.