Lợi dụng đại dịch để lừa đảo qua bán hàng online, nhiều người nhẹ dạ, "bùi tai" sập "bẫy"
Nhiều người “sập bẫy” lừa đảo bán hàng online
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố lớn đang phải thực hiện giãn cách xã hội, việc mua bán hàng hoá đặc biệt là nhu yếu phẩm gặp khó khăn. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng lên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo quảng cáo bán hàng online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân.
Ngày 8/8 vừa qua, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã thông tin về ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Đại, Đào Thị Thu Hà (22 tuổi); Đào Tiến Anh (19 tuổi); Nguyễn Kim Tuyền (22 tuổi) cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hai đối tượng Đại và Hà vừa bị bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Theo cơ quan công an, để có tiền tiêu xài, Đại đã rủ người yêu là Hà lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook. Đại lập Fanpage bán hàng rồi đăng tải các bài viết bán hàng túi xách cao cấp có giá từ 8-12 triệu đồng. Thực chất, Đại không hề bán hàng mà chủ yếu tuyển cộng tác viên bán hàng và quảng cáo, nếu cộng tác viên nhập hàng về bán sẽ được chiết khấu cao.
Đại thuê Tuyền chạy quảng cáo cho Fanpage để tăng lượt tương tác, tăng lượt like. Nếu có ai đăng ký làm cộng tác viên thì Hà sẽ trả lời và gửi các bài viết, ảnh túi xách để cộng tác viên đăng bài quảng cáo bán sản phẩm. Các đối tượng hứa hẹn trả cho cộng tác viên 150.000 đồng/ngày. Nếu cộng tác viên hỏi lấy hàng thì sẽ được chiết khấu từ 2-3 triệu đồng/sản phẩm.
Đại giao cho Tiến Anh (em ruột Hà) cùng một số đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook ảo để đặt mua hàng của cộng tác viên. Sau đó, Đại sẽ giao túi xách giá rẻ từ 200.000-500.000 đồng để chuyển cho cộng tác viên.
Đối với loại túi xách kém chất lượng này, cộng tác viên phải trả từ 6-10 triệu đồng/túi. Sau khi gửi hàng cho cộng tác viên và lấy được tiền thì Đại chặn liên lạc với bị hại.
Với thủ đoạn như trên, trong hai ngày 8-9/7, các đối tượng đã lừa cộng tác viên đặt mua 3 chiếc túi xách (2 túi kiểu dáng LV và 1 túi kiểu dáng Dior) với tổng số tiền 22 triệu đồng. Sau khi cộng tác viên không liên lạc được với khách đặt hàng đã đến Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa trình báo.
Nhiều người lên mạng tố giác hành vi lừa đảo bán hàng online |
Cũng trong ngày 8/8, báo CAND online phản ánh việc nhiều người tố giác đặt mua khẩu trang, rau, củ, quả từ trang “Hữu cơ Đà Lạt” để giải quyết nhu cầu thực phẩm hằng ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19 nhưng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền lớn. Hàng chục người đã có đơn tố cáo sự việc tới cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hành vi trên.
Hành vi lừa đảo có thể bị phạt tù chung thân
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về tình trạng lừa đảo qua bán hàng online, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụlừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với quy mô lớn, số lượng người bị hại ngày càng nhiều và rất đa dạng. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, phần lớn là đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân...
Cũng theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam đã có chế tài hành chính và hình sự để có thể xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như: Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản dù dưới 2 triệu đồng, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 290 bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.
Với những hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản diễn ra trong đời sống xã hội hoặc diễn ra trên không gian mạng nhưng không thuộc các trường hợp được liệt kê trong điều 290 thì sẽ xử lý theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chế tài cao nhất có thể đến tù chung thân.
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Trong các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất khó để xử lý. Theo quy định của pháp luật, có hai khái niệm gần nhau nhưng bản chất pháp lý khác nhau là “lừa dối” và “gian dối”. Hiện nay pháp luật chưa có khái niệm cụ thể để phân biệt hai vấn đề này.
Lừa dối trong quan hệ dân sự có thể hiểu là thông tin một bên đưa ra khiến bên kia hiểu lầm để giao kết hợp đồng, hành vi lừa dối khiến cho hợp đồng đó vô hiệu, đây là quan hệ dân sự và sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Còn hành vi lừa dối đến mức độ được xác định là nguy hiểm cho xã hội phải là hành vi hoàn toàn bịa đặt, không có thật, không đúng với thực tế nhưng với mục đích là để chiếm đoạt tài sản thì mới có thể xử lý hình sự.
Với những vụ việc bán hàng online mà giao hàng kém chất lượng không đúng với mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ thì rất khó để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ có thể xử lý về tội lừa dối khách hàng nếu như thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội này, nếu không chỉ là quan hệ dân sự.
Nếu các đối tượng bán hàng nhưng không giao hàng, sau khi nhận tiền đã cắt liên hệ, bỏ trốn thì mới xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 hoặc điều 290 bộ luật hình sự năm 2015. Còn hành vi vẫn giao hàng nhưng hàng kém chất lượng thì chỉ có thể xử lý về tội mua bán hàng giả, buôn lậu hoặc tội lừa dối khách hàng nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành các tội danh này...
“Để giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói chung, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói riêng thì cần phải áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp phòng ngừa như: Tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu tội phạm về công nghệ cao để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng cũng như bổ sung các chế tài hành chính và hình sự để có cơ sở phòng ngừa cũng như đấu tranh với tình hình tội phạm công nghệ cao.
Chúng ta thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về các hành vi phạm tội, phương thức thủ đoạn phạm tội để người dân nâng cao cảnh giác; phòng ngừa sớm và kịp thời phát hiện, thu thập các chứng cứ đấu tranh với tội phạm công nghệ cao; Gắn trách nhiệm của những nhà mạng, các công ty công nghệ lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, nguồn gốc hàng hóa, các hoạt động kinh doanh online trên không gian mạng để có thể truy xuất nguồn gốc, thu thuế và phát hiện ra các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử; Quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử và hoạt động bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các đối tượng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản và thực hiện hành vi phạm tội…”, luật sư Cường nói.