Lựa chọn, giám sát chặt chẽ các nhà thầu, không để thất thoát vốn đầu tư
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, diễn ra sáng nay (18/10).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp được giao chủ đầu tư 6 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Trong đó có 2 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, gồm: Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và Dự án Xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II tại huyện Sóc Sơn.
Ngoài ra, còn có 4 dự án giai đoạn 2021-2025, gồm: Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ; Dự án Xây dựng thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu sông Nhuệ; Dự án Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kết luận buổi làm việc |
Đối với Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khu vực nhà máy với diện tích 138.185m2; Thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và lựa chọn nhà thầu thi công cho 4 gói thầu xây lắp. Lũy kế giải ngân đến nay là 3.062,026 tỷ đồng, với thời gian thực hiện trong giai đoạn 2013-2021. Tuy nhiên, do dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến gói thầu số 3, 4 mới hoàn thành được 10% và 20% khối lượng hợp đồng. Hiện nay, UBND TP đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đang tập trung quyết liệt, đôn đốc các đơn vị thực hiện phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành dự án.
Về dự án Xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II tại huyện Sóc Sơn, thời gian thực hiện từ năm 2012-2022. Tổng mức đầu tư dự án là 1.487,018 tỷ đồng nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đã 4 lần phải điều chỉnh thời gian thực hiện. Đến nay, dự án còn 35 trường hợp, diện tích 2,23ha đã phê duyệt phương án, chưa bàn giao mặt bằng. Hiện, Ban Quản lý dự án đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện và phấn đấu hết năm 2023 hoàn thành dự án.
Đối với các dự án chuẩn bị triển khai trong năm 2022-2023, hiện cả 4 dự án đều trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Năm 2022, Ban Quản lý dự án có 38 dự án được giao kế hoạch vốn là 3.074,141 tỷ đồng. Các dự án được đầu tư xây dựng thực hiện đúng trình tự xây dựng cơ bản và chất lượng; Phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân; Nâng cao năng lực thoát nước nội đô…
Tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương, ghi nhận những kết quả Ban Quản lý dự án đạt được trong triển khai các dự án trọng điểm khi tình hình nhân sự, tổ chức của đơn vị có sự thay đổi sau hợp nhất.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, đề nghị Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, lãnh đạo Ban Quản lý dự án tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng trong mọi lĩnh vực công tác, từ khâu chỉ đạo điều hành đến các hoạt động quản lý, hoạt động phụ trợ đều được phối hợp chặt chẽ, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý dự án. Mỗi một dự án cần giao cho một đồng chí Phó Giám đốc phụ trách để đeo bám, theo dõi sát sao và đôn đốc tiến độ thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, Ban Quản lý dự án tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát các vấn đề tồn đọng, kịp thời báo cáo UBND TP để giải quyết; Rút ngắn thời gian thẩm định và bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị, Ban Quản lý dự án cẩn trọng trong khâu lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đấu thầu đủ năng lực chuyên môn.
Trong đó, cần thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, quy định của Luật Đấu thầu để lựa chọn được những nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công và xây lắp đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình thực hiện, cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ các nhà thầu để hoàn thành công trình bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, mỹ thuật theo quy định hiện hành, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.