Mái ấm của đoàn viên, người lao động
Ngôi nhà mới, tương lai mới
Chương trình “Mái ấm Công đoàn” được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam triển khai từ năm 2006 theo Quyết định 1671/QĐTLĐ ngày 6/11/2006. Từ đó đến nay, biết bao gia đình đã đổi đời, cuộc sống sang trang mới nhờ sự hỗ trợ thiết thực này.
Mới đây, ngày 2/8/2023, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức khánh thành nhà ở Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Ngô Thị Chín (Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang).
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà tặng các công nhân, lao động Thủ đô |
Chị Chín cư trú tại phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, là mẹ đơn thân đang nuôi con gái học đại học. 10 năm qua, hai mẹ con ở nhờ trong căn nhà cấp 4 lợp ngói, diện tích 35m2 của anh trai đã xuống cấp.
Đầu năm 2023, gia đình người anh trai đã cho chị mảnh đất trên nhưng chị chưa có điều kiện để xây nhà mới. Công đoàn cơ sở nơi chị Chín làm việc đã đề nghị LĐLĐ TP và LĐLĐ tỉnh khảo sát, hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm Công đoàn cho gia đình chị.
Căn nhà được khởi công vào tháng 4/2023, đến cuối tháng 7/2023 hoàn thành với tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, LĐLĐ tỉnh trích Quỹ Mái ấm Công đoàn hỗ trợ 40 triệu đồng. “Được ở trong căn nhà mới khang trang, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, yên tâm công tác, nuôi dạy con khôn lớn”, chị Chín chia sẻ trong ngày tân gia.
Không chỉ có gia đình chị Chín, gần 14 nghìn người lao động đã được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng trong nhiệm kỳ qua của Công đoàn Việt Nam.
Trong 5 năm qua, chương trình Mái ấm Công đoàn ngành điện đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 283 ngôi nhà với số tiền trên 16 tỷ đồng từ nguồn quỹ tương trợ xã hội của Tập đoàn EVN.
Anh Võ Công Lý công tác tại Điện lực Kỳ Anh, thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh hơn 20 năm. Vợ chồng anh Lý thường xuyên đau ốm, bệnh tật nên gia đình rất khó khăn. Đặc biệt, có thời gian, vợ anh Lý mỗi tháng phải đi viện một lần để điều trị bệnh hở van tim, chi phí tốn kém dẫn tới kinh tế eo hẹp... Cháu Võ Công Thành - con trai anh Lý - chỉ mong sức khỏe của mẹ sớm bình phục, cả nhà được sống trong căn nhà rộng rãi, kiên cố.
Các cấp Công đoàn ngành điện đã cùng chung tay giúp gia đình anh Lý xây dựng Mái ấm Công đoàn. Ngày 1/3/2020, gia đình anh khởi công căn nhà với diện tích hơn 85m2 và hoàn thành ngày 1/6/2020, tổng kinh phí xây dựng hơn 450 triệu đồng. Trong đó, Công đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 60 triệu đồng; Quỹ nhân đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc hỗ trợ 30 triệu đồng...
“Sau khi có Mái ấm Công đoàn, các thành viên trong gia đình anh Lý đã ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Đặc biệt, cháu Thành con anh Lý gặt hái thêm nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, từ các giải học sinh giỏi cấp trường, huyện, tỉnh…
Mới đây, chúng tôi nhận được thông tin, cháu Võ Công Thành đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý”, ông Uông Quang Huy - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam phấn khởi nói.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh tặng quà cho công nhân, lao động |
Vì lợi ích thiết thực của người lao động
Xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động (NLĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên. Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở.
Nhiệm kỳ vừa qua, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đã được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp "Tết Sum vầy" với trên 28 nghìn tỷ đồng; thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
Như tại Hà Nội, đã thành thông lệ, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, LĐLĐ thành phố lại tổ chức chương trình vui Tết cho công nhân lao động. Năm 2023, với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” các cấp Công đoàn Thủ đô đã mang đến những phần quà, sự sẻ chia tới các đoàn viên công đoàn, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thống kê, tổng kinh phí các cấp Công đoàn Thủ đô tặng quà, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động Thủ đô đợt Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khoảng 74 tỷ đồng. Trong đó, cấp thành phố hỗ trợ hơn 48 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Công đoàn thành phố và kinh phí của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Nhiều phần quà thiết thực đã được gửi tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ người lao động bị thiếu việc, mất việc làm do thiếu đơn hàng dịp cuối năm.
Không chỉ vậy, LĐLĐ thành phố đã tổ chức hỗ trợ phương tiện xe ô tô đưa 1.200 công nhân khu công nghiệp và chế xuất, công nhân ngành dệt may về quê đón Tết với các điểm đến tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Những việc làm thiết thực của các cấp công đoàn đã góp phần lan tỏa, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết đến, Xuân về.
Cùng với “Tết sum vầy”, việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, bước đầu xây dựng mô hình “Bữa ăn công đoàn”.
Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” được mở rộng, định kỳ được rà soát, đánh giá, bổ sung các đối tác mới với những ưu đãi phục vụ trực tiếp lợi ích của đoàn viên, người lao động. Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được duy trì với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
Công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tiếp cận các kênh tín dụng hợp pháp, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện đời sống, điều kiện sinh hoạt, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trong đoàn viên, người lao động.
Hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm được triển khai hiệu quả với hệ thống 13 quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, tổ chức tài chính vi mô (CEP), Quỹ quốc gia giải quyết việc làm từ nguồn vốn Nhà nước đã giải quyết cho hàng triệu lượt đoàn viên, người lao động vay vốn với số tiền nhiều nghìn tỷ đồng.
Hệ thống các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn bình quân hàng năm đào tạo, dạy nghề cho hơn 40 nghìn lượt người, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội bàn giao nhà Mái ấm Công đoàn tại huyện Mỹ Đức |
Bảo đảm tất cả đều có Tết
Bên cạnh các giá trị, lợi ích vật chất, tổ chức Công đoàn quan tâm các giải pháp chăm lo, cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe cho đoàn viên, người lao động như: Nghỉ dưỡng, hồi phục sức khỏe, tham quan, nghỉ mát, văn nghệ, thể thao, khám sức khỏe định kỳ, thăm, động viên, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng để người lao động vượt mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Hoạt động chăm lo của các cấp Công đoàn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là người sử dụng lao động.
Mới đây nhất, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với phương châm bảo đảm tất cả đều có Tết.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, trước, trong và sau dịp Tết, các cấp công đoàn sẽ tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động chăm lo thiết thực về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; bảo đảm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, an toàn.
Theo kế hoạch, với chủ đề: "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ", đối tượng chăm lo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 là tất cả đoàn viên, người lao động; trong đó ưu tiên đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị thiên tai, bão lũ, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm, gia đình chính sách, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết; ở lại đơn vị, doanh nghiệp để công tác, sản xuất, kinh doanh vào dịp Tết.
Những nơi không tổ chức chương trình "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" tập trung, căn cứ điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động phù hợp để đoàn viên, người lao động đón Tết, bảo đảm mọi đoàn viên, người lao động được sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn.
Các địa phương tổ chức hoạt động thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024, gắn với các hoạt động tri ân, gặp gỡ đoàn viên, người lao động ngay sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Tổ chức, tham gia các đoàn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo địa phương thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động; quan tâm đặc biệt tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, bị thiếu, mất việc làm.
Cùng với đó, chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" toàn quốc thông qua sàn thương mại điện tử, nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu ngày Tết của đoàn viên, người lao động với giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng. Các địa phương, ngành tùy thuộc điều kiện, khả năng, cân đối nguồn kinh phí để tổ chức chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" phù hợp tại cấp mình.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn về phát triển nhà ở dành cho công nhân, lao động, trực tiếp là Luật Nhà ở (sửa đổi), các luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. |