“Mạnh tay” xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật
Liên tiếp xử phạt nhiều trường hợp
Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số người lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.
Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; Sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; Tung tin giả, tin sai sự thật; Quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Hưng Vlog là YouTuber làm dậy sóng dư luận và bị cơ quan chức năng xử phạt vì phát hành nội dung gây phản cảm |
Có thể thấy rằng, trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, tính năng livestream (phát trực tiếp) được triển khai phổ biến, kể cả với những người dùng cá nhân. Với người dùng Việt, tính năng này được áp dụng từ khoảng năm 2016. Nó cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành một "kênh truyền hình", truyền tải tất cả những sự vật hiện tượng theo thời gian thực lên không gian mạng.Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, từ năm 2017 đến nay, Bộ đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội YouTube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh YouTube Hoàng Anh - Timmy tại TP HCM; Kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang; Kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương... Đồng thời, Bộ cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, tính năng này cũng đem đến những tranh cãi về tác động tới cộng đồng, xã hội. Không khó để thấy được, hiện nay tràn lan những video livestream kiểu bóc phốt, đưa tin giật gân, dùng chiêu trò câu view. Đáng nói, những video tiêu cực như vậy chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải đã thu hút lượt tương tác rất cao, hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu lượt xem, tạo nên làn sóng bàn tán sôi nổi trong dư luận.
Kênh YouTube Hoàng Anh - Timmy tại TP HCM bị xử phạt |
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; Chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn.
Đối với những trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của người vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Sớm xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Trước sự xuất hiện của nhiều video livestream phản cảm, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử phạt người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Vấn đề siết chặt quản lý hoạt động này đã được đặt ra từ năm 2019. Đại điện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang tiến hành phối hợp và yêu cầu mạng xã hội Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam. Trước mắt áp dụng tại Hà Nội, TP HCM và chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream). Giải pháp này nhằm ngăn chặn vấn nạn tin giả, truy trách nhiệm cá nhân và gỡ bỏ các bài viết vi phạm.
YouTuber Thơ Nguyễn bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử hồi tháng 3/2021 |
Dù vậy, đến nay, thực trạng livestream phản cảm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video vi phạm gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết có nội dung xấu, độc vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp.
Để hạn chế những tác động tiêu cực trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đề xuất nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nói chung và hoạt động livestream nói riêng. “Hiện tại, mạng xã hội dù là thế giới ảo nhưng giống như nơi công cộng. Nhiều người tham gia nên không tuân thủ theo một quy tắc nhất định sẽ rất dễ xảy ra những sự việc tiêu cực”, chị Vũ Thu Hương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đề xuất.
Giải thích rõ hơn về ý kiến đề xuất của mình, chị Hương cho rằng, khi có những quy chuẩn nhất định thì người tham gia sẽ biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình phù hợp. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy chuẩn cho phép. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước những nội dung mình truyền tải, người livestream phải lường những nguy cơ có thể phát sinh… để tiết chế phát ngôn cho phù hợp. Đồng thời, người tham gia mạng xã hội dựa vào quy tắc chung để có căn cứ đề xuất xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật”.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các tỉnh, thành tăng cường quản lý, xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép
|
Liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh), livestream thực sự là một con dao hai lưỡi, sẽ có những hệ lụy khôn lường nếu người dùng không cẩn trọng.
Ở khía cạnh pháp lý, theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), việc một số người dùng livestream Facebook hay YouTube, tùy tiện quay phim, đưa hình ảnh người khác lên mạng xã hội có thể vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Theo điều này quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.