Đối tượng phát tán clip "riêng tư" của nữ diễn viên sẽ đối mặt với khung hình phạt đến 15 năm tù
Ngày 27/5, cộng đồng mạng xôn xao lan truyền đoạn clip "nóng" của một đôi nam nữ. Sau đó, từ những hình ảnh trong đoạn clip, nhân vật nữ được cư dân mạng cho rằng là chị V.T.A.T, từng tham gia một vai diễn nhỏ trong bộ phim truyền hình đình đám "Về nhà đi con".
Cảnh sát đang điều tra vụ việc phát tán clip “nóng” của nữ diễn viên A.T |
Trả lời báo chí về vụ việc, anh T cho biết, anh và bạn gái anh là chị V.T.A.T là 2 nhân vật trong clip "nóng". Tối 25/5, chị A.T, bạn gái anh cùng nhóm bạn có ăn uống tại một căn hộ chung cư trên địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong quá trình ăn uống có nói to, gây ồn ào, Ban Quản lý tòa nhà đã báo Công an phường Trung Hòa lên kiểm tra.
Sau đó, Công an phường Trung Hòa đã đưa chị A.T cùng nhóm bạn về trụ sở làm việc. Công an phường kiểm tra hành chính, thu hết điện thoại và yêu cầu đọc mật khẩu điện thoại để điều tra.
Cũng theo anh T, sau khi đoạn clip riêng tư bị phát tán lên mạng xã hội, anh T và bạn gái đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng, trong đó có Công an TP Hà Nội đề nghị làm rõ ai là người phát tán clip, động cơ mục đích để làm gì?
Liên quan tới sự việc trên, ngày 28/5, một lãnh đạo Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) xác nhận, đêm 27/5, chị V.T.A.T (SN 1998, tạm trú trên địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã đến cơ quan công an để trình báo chị bị phát tán clip riêng tư.
Về thông tin cho rằng đoạn clip "nóng" của chị T bị phát tán sau khi công an phường thu giữ điện thoại của chị kèm mật khẩu điện thoại, lãnh đạo Công an phường Trung Hòa cho biết thông tin này đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: “Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan điều tra khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân đoạn clip nóng của nữ diễn viên A.T bị phát tán trên các trang mạng xã hội. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nếu ai sai phạm cơ quan Công an sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi việc xử lý đối tượng phát tán clip riêng tư của nữ diễn viên gây "bão" mạng xã hội |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hai người trong clip, bị xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, có quyền làm đơn trình báo tố giác tội phạm đề nghị xem xét xử lý đối với những người đã chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân và đăng tải trái phép trên mạng xã hội. Trường hợp không có đơn trình báo tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ ai đã phát tán clip này lên mạng xã hội để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Điều 12, Tuyên bố quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948 quy định: “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”. Đây là tiền đề, là nền tảng cơ bản để các quốc gia cố gắng đạt đến chuẩn mực chung này.
Tại Việt Nam, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; Có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Thể chế hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 38, khoản 1 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ…”.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình thì phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp thu giữ điện thoại của người vi phạm hành chính hoặc vi phạm pháp luật hình sự thì cơ quan thu giữ phải lập biên bản thu giữ và giao cho người bị thu giữ một bản…
“Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ xác định clip sex này có phải là trong chiếc điện thoại của nữ diễn viên hay không, việc lưu trữ clip này nhằm mục đích gì. Ai là người đã thực hiện hành vi phát tán clip sex này lên mạng xã hội?
Nếu có căn cứ xác định clip nhạy cảm của nữ diễn viên ghi lại để làm kỷ niệm, không có ý định “phát tán” nhưng lại bị chia sẻ, lan truyền trên mạng thì hành vi này của người phát tán có dấu hiệu truyền bá văn hóa đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy hành vi “nhằm phổ biến” cho người khác khiến từ 10 người tiếp cận trở lên hoặc dung lượng từ 5GB trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với mức phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 15 năm tù.
Trường hợp có căn cứ cho thấy, người đăng tải clip sex này với mục đích nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của những người trong clip thì hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 Với mức hình phạt có thể lên đến 5 năm tù”, luật sư Cường nói.
Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB); b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh; c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị; d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB); c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh; d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị; đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người; e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi; g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; h) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên; b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên; c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên; d) Phổ biến cho 101 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |