“Mắt đàn ông” biết… gọi hình, gọi nét
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, tập thơ “Mắt đàn ông quê nhưng vẫn hiện đại.
Mắt đàn ông hiện đại nhưng không cầu kỳ, không câu đố.
Mắt đàn ông giản dị, mộc mạc, không làm vần, không làm thơ, không làm chữ.
Mắt đàn ông nhiều gợi ý để tạo hình, gọi hình, gọi nét”.
Bìa tập thơ “Mắt đàn ông”
Chiều 19/12, buổi ra mắt tập thơ sẽ được Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Laca Café (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội).
Buổi giới thiệu tập thơ càng ý nghĩa hơn khi diễn ra trước Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, bởi tác giả Nguyễn Minh Cường cũng là một người lính và trong tập thơ cũng có một phần những sáng tác từ cảm hứng về người lính.
Tác giả Nguyễn Minh Cường
Lâu nay, bạn đọc và bạn viết biết đến Nguyễn Minh Cường trong các sự kiện văn học trẻ, tuy nhiên, khác với nhiều tác giả trẻ khác, Minh Cường chưa có cho mình một tập sách riêng nào. Có nhiều lí do cho sự “muộn mằn” này nhưng một trong những lí do đó có lẽ là sự “biết mình” của một người viết trẻ, đồng thời cũng là để ngòi bút thêm chín hơn. Đến nay Nguyễn Minh Cường mới ra mắt tập thơ đầu tay với tên gọi “Mắt đàn ông”.
Tranh phụ bản trong tập thơ do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ
Tập thơ “Mắt đàn ông” gồm 6 phần: Vĩnh hằng, Quê hương, Chuyện gã quê ở phố, Với em, Đi trốn phố, Rồi xuân đã về. Người đọc như được dẫn đi trong dòng tự sự thơ của tác giả. Đọc “Mắt đàn ông” như có một con mắt dẫn người đọc qua những miền thơ ca mà Nguyễn Minh Cường ghé thăm và luyến nhớ.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, tập thơ bao quát nhiều tâm cảm của một người trẻ trước những rung động đa chiều của đời sống. Và hình ảnh “mắt đàn ông” hiện lên qua tập thơ này bao hàm nhiều điều hơn là một ấn tượng ban đầu nào đó có thể gợi ra khi người đọc mới chạm vào ba chữ ấy. Có thể tin và đi theo cùng “đôi mắt” của tác giả.
Tranh phụ bản trong tập thơ do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ
Nhà thơ Hữu Việt thì nhận xét: “Thơ Nguyễn Minh Cường có cái mộc mạc khoẻ khoắn của người lính, nặng tình với quê hương đất nước, lại có cái yêu thương đau đáu với gia đình, người thân, đồng đội. Ở thể thơ tự do anh viết phóng khoáng, nhưng khi ghép vào vần luật lại rất kỹ càng. Va đập với phố phường, thơ anh chạm tới chất thế sự, chất trí tuệ một cách chững chạc. "Mắt đàn ông" với Nguyễn Minh Cường giống như buổi cày vỡ làm lật lên những tầng tầng phù sa tươi non, hứa hẹn những mùa màng mạnh mẽ chưa định trước”.
Còn nhà thơ áo lính Đoàn Văn Mật cảm nhận về tác giả “Mắt đàn ông” với tư cách là một người đồng đội: “Nguyễn Minh Cường đang khoác trên mình màu xanh của áo lính, vì thế cũng dễ hiểu khi thơ anh viết nhiều về lính, về biển đảo, biên cương hay Tổ quốc. Từ chất lính ấy mà thơ Cường luôn thể hiện sự mạnh mẽ ở câu chữ và gần như ta không thấy nét ủy mị, bi ai hay buồn nản, nếu có thì đó chỉ là mối rung bật quá đà trong thi cảm của một người hay tương cố mình qua thân phận kẻ khác, qua sự vật ngoài mình”.