Mất tập trung: Thách thức lớn của giới trẻ trong thời đại số
Giới trẻ và cuộc chạy đua với AI Người trẻ tối ưu công việc với ChatGPT Xu hướng chọn nghề của giới trẻ hiện nay |
Mất tập trung do cách làm việc thiếu khoa học
Trong cuộc sống hiện đại, xao nhãng hay quên mất mình đang làm gì là tình trạng phổ biến ở nhiều người trẻ. Đang ăn nghĩ đến công việc, đang họp lại nghĩ hôm nay ăn gì... Những biểu hiện này phản ánh rõ nét tình trạng mất tập trung - một vấn đề lớn mà nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt, đặc biệt trong thời đại mà họ luôn bận rộn với công việc và kế hoạch cá nhân.
Đinh Hoàng Dũng, 25 tuổi (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) chia sẻ bản thân thường xuyên bị mất tập trung khi ngồi vào bàn làm việc: "Nhiều khi mình không thể tập trung quá 10 phút vì cứ nghĩ đến chuyện này chuyện kia. Công việc của mình thì chủ yếu ở trên điện thoại và máy tính, chỉ cần một thông báo nhỏ cũng đủ khiến mình xao nhãng và không thể tập trung trở lại”.
Hiện đang làm công việc sáng tạo nội dung trên nền tảng số, chàng trai trẻ bộc bạch cảm thấy rất khó để hoàn thành công việc đúng hạn vì lúc nào cũng bị phân tâm bởi mạng xã hội: “Dù biết phải thường xuyên cập nhập thông tin để tạo được những video phù hợp với xu hướng nhưng mình lướt xem video này để tìm nội dung, lại thấy video khác hấp dẫn hơn. Công việc cứ thế mà trì hoãn, cả ngày không làm được gì”.
![]() |
Hồng Nhung gặp khó khăn khi phải tập trung vì lạm dụng mạng xã hội quá nhiều và áp lực công việc |
Còn với Hồng Nhung, 22 tuổi (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), sự tập trung của bạn trẻ biến mất khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều và áp lực công việc: “Đôi khi, mình muốn đọc một cuốn sách mà không thể rời khỏi chiếc điện thoại được. Công việc khiến mình tham gia khá nhiều nhóm nên tin nhắn cứ đến liên tục. Mình làm tự do nên cũng chẳng sợ sếp dòm ngó nên đôi lúc mình kiểm tra tin nhắn trong vô thức rồi bị cuốn đi hàng giờ đồng hồ”.
Hồng Nhung cũng dần nhận thấy chất lượng các mối quan hệ và công việc ngày càng không đúng như bản thân kỳ vọng. Khi cô gái trẻ này thường nhớ nhớ quên quên những gì mình nói. "Nhiều khi mình nói chuyện với bạn nhưng tự nhiên quên ngang vấn đề đang nói, mình phải lái sang một chuyện khác. Khoảng 10 phút sau, mình nhớ lại rồi tiếp tục kể cho bạn nghe câu chuyện còn bỏ dở", Hồng Nhung nói.
Những hệ luỵ khôn lường
Mất tập trung gây ra nhiều vấn đề. Chính điều này khiến cho Hoàng Dũng thường xuyên gặp khó khăn trong các quyết định hoặc thực hiện những việc phức tạp. Cậu bạn trẻ thường xuyên mắc lỗi dù bạn không cố ý và đã cố gắng hết sức.
Hồng Nhung cũng cảm thấy đau đầu về việc "lơ tơ mơ" của mình: "Mình là một… cú đêm, có lẽ sự uể oải do thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và không thể toàn tâm toàn ý làm việc gì. Những lúc như vậy, mình cực kỳ khó chịu với những chuyện xung quanh. Vấn đề này kéo dài khiến mình luôn trong trạng thái bị stress, cáu gắt và khó chịu vô cùng”.
![]() |
Mất tập trung gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của giới trẻ |
Cô gái trẻ cũng bộc bạch hậu quả lớn nhất khi thiếu tập trung đó là bản thân mất khá nhiều thời gian. Vì đáng lẽ ra công việc làm khi tập trung chỉ tốn khoảng 1 giờ đồng hồ là xong thì phải làm đến 3, 4 giờ đồng hồ mới xong.
Sự mất tập trung không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo chị Trần Thu Phương, Trưởng phòng nhân sự tại Công ty Quảng cáo và Truyền thông ALA, tình trạng này buộc công ty phải tìm kiếm nhân sự thay thế: "Những bạn không tập trung thường không ổn định tại môi trường làm việc. Thỉnh thoảng họ cũng nhòm ngó những công việc khác. Tỷ lệ nghỉ việc tự nhiên và bị sa thải vì lý do này khá cao”.
Dành cho mình thời gian nghỉ ngơi, hạn chế sự căng thẳng
Là một nhân viên văn phòng sống ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Phạm Phương Linh, 24 tuổi chia sẻ rằng mình rơi vào trạng thái mất tập trung vì làm quá nhiều việc cùng lúc. Phương Linh thường xuyên bị gián đoạn công việc bởi những yêu cầu "khẩn cấp" từ đồng nghiệp. Thói quen cả nể, không biết từ chối khiến cô gái trẻ rơi vào vòng xoáy công việc, dẫn đến quá tải và mất tập trung nghiêm trọng.
![]() |
Phạm Phương Linh lên kế hoạch làm việc theo từng ngày để ấy lại sự tập trung |
“Mình đang học dần cách từ chối và làm việc khoa học để lấy lại sự tập trung ban đầu. Mỗi ngày mình sẽ có kế hoạch cụ thể cho từng việc, sau đó dành khoảng 30 phút chỉ ngồi im để luyện sự tập trung. Cùng với đó mình sẽ liệt kê thứ tự ưu tiên của công việc và tiến hành theo ghi chú. Mình vẫn sẽ dành đủ thời gian giải trí để tập thói quen giờ nào việc đó”, Phương Linh chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thuỳ Dương (Trung tâm trị liệu, tham vấn tư vấn tâm lý Mindcare), hậu quả của mất tập trung có thể nghiêm trọng hơn, như mất việc hoặc thậm chí gây nguy hiểm khi lao động. Mất tập trung còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu và trầm cảm.
Chuyên gia tâm lý Trần Thuỳ Dương chia sẻ: "Những vấn đề về sự tập trung hiện nay của mọi người thường bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như việc sử dụng mạng xã hội và các thú vui tiêu khiển,… Việc sử dụng mạng xã hội nhiều có thể làm người dùng bị nghiện. Cảm giác thỏa mãn tức thời mà mạng xã hội mang lại thực sự có thể khiến nhiều người khó tập trung vào những công việc đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì hơn.
Nguyên nhân gây mất tập trung của mỗi người là khác nhau, và cách xử lý của mỗi người cũng vậy. Nhưng nhìn chung quan trọng nhất vẫn là lối sống khoa học và kỷ luật”.
Để làm giảm vấn đề mất tập trung, chuyên gia tâm lý Trần Thuỳ Dương khuyên: "Mỗi người trẻ cần xây dựng cho mình một lối sống khoa học, biết sắp xếp rõ ràng, có thể sử dụng công cụ nhắc nhớ để tập trung giải quyết công việc tốt hơn. Có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý. Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, không sử dụng rượu bia, trò chuyện nhiều hơn với bạn bè thay vì sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, phải dành cho mình thời gian nghỉ ngơi, hạn chế sự căng thẳng, có được tinh thần thoải mái sẽ giúp bản thân dễ tập trung hơn".
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cán bộ trẻ cùng tiếng Anh bước vào kỷ nguyên vươn mình

Thiết kế là cách em kể câu chuyện của mình

Xây dựng Nông thôn mới bằng bản sắc và khát vọng tuổi trẻ

Hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên các cấp được triển khai

Tỏa sáng tài năng sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng

Phát động cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền chống tác hại thuốc lá

“Nét đẹp sinh viên”, Bóng đá, Pickleball... lan tỏa lối sống không khói thuốc

VJU Open Campus 2025 kết nối giáo dục và văn hóa Việt - Nhật

Nam vương ĐH Công nghiệp: Thế hệ thông minh không tắt mạng xã hội
