Máy phát điện tự động của chàng sinh viên Bách khoa
Tìm hiểu thêm, Long nhận ra trên thế giới còn rất nhiều khu vực như vậy. Tuy nhiên, giá điện hiện nay vẫn chưa phải là quá rẻ tại các khu vực này để người dân có thể chi trả. Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này? “Bản thân là một sinh viên, có sức khỏe, kiến thức, mình suy nghĩ rằng cần phải làm một cái gì đó để hỗ trợ người dân hoàn cảnh rất khó khăn này”, Long chia sẻ.
Từ sự trăn trở đó, ý tưởng về “Máy bán điện tự động 100RE box và Nền tảng gọi vốn CrowdFunding” đã đến với Long, chàng sinh viên năm thứ tư, chuyên ngành Hệ thống điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phan Văn Long nhận giải thưởng tại cuộc thi "Thanh niên sáng tạo vì khí hậu" |
Nghĩ là làm, Long bắt tay ngay vào làm. Vốn là sinh viên có nhiều ý tưởng sáng tạo và từng tham gia nhiều cuộc thi nên việc chế tạo máy không quá khó khăn với chàng trai trẻ. Tuy nhiên, việc tìm được nhà sản xuất và đề nghị họ làm theo thiết kế của Long có chút khó khăn. Sau gần 1 tháng chàng trai trẻ mới hoàn thành sản phẩm.
100RE box có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Đầu tiên năng lượng mặt trời được hấp thụ và chuyển đổi thành điện năng bằng các tấm module mặt trời ở phía trên hộp. Điện năng này sau đó sẽ được chứa ở trong 1 hệ thống pin lưu trữ lớn đặt phía dưới của chiếc hộp 100RE box.
Sau đó, điện năng sẽ được chia ra các cục pin nhỏ, giống như các cục pin dự phòng điện thoại mà mọi người đang có, mục đích là để người dân có thể dễ dàng đưa về nhà và sử dụng.
“Bên cạnh đó, chiếc máy này không chỉ có chức năng là cung cấp năng lượng sạch, bền vững mà còn có khả năng cung cấp nguồn nước đảm bảo. Điện và nước sạch sẽ là những yếu tố giúp cuộc sống của người ở những nơi như xóm phao tốt hơn”, Long cho biết.
Phiên bản mới nhất của 100RE box |
Đặc biệt, 100RE box đã được thiết kế và cải tiến để có thể khắc phục hầu hết mọi vấn đề của các sản phẩm tiền nhiệm và hiện đang có trên thị trường. 100RE Box rẻ hơn tương đối nhiều so với các sản phẩm khác mặc dù đồng nghĩa với lượng điện tạo ra ít hơn. Tuy nhiên, mức giá rẻ khiến cho tính khả thi của dự án tăng cao khi mà người dân có thể chi trả được với mức phí thấp hơn lên đến 40 lần so với các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị mất trộm cũng như là bị hư hại do tác động bên ngoài cũng giảm đi tương đối. Cách thức vận hành sản phẩm cũng không quá phức tạp. Đặc biệt, sản phẩm không cần phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các tổ chức lớn mới có thể triển khai.
Bằng việc sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo kết với hệ thống pin lưu trữ lithium, sản phẩm rất thân thiện với môi trường. Dù vậy, Long vẫn đang tiếp tục tìm cách để ngay cả phần hộp bên ngoài của sản phẩm cũng được làm từ vật liệu tự nhiên tái chế được.
“Về mặt xã hội và kinh tế, sản phẩm cung cấp lượng điện vừa đủ cho việc sử dụng hàng ngày với một mức giá vừa phải. Mô hình này còn tạo việc làm cho những người dân ở các khu vực chưa có điện, họ có thể mang sản phẩm về phục vụ ngôi làng của mình”, Long cho biết.
Chàng trai trẻ cũng mong muốn, với việc dễ dàng nhân rộng mô hình, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm chung tay mang sản phẩm đến với người ở nhưng nơi khó khăn như xóm phao. Từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ tốt đẹp hơn.
Phan Văn Long, hiện đang là sinh viên chuyên ngành Hệ thống điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và là sinh viên của lab nghiên cứu 100RE (100% Renewable Energy). Bên cạnh việc học tập và nghiên cứu trên trường, Long tham gia một số dự án của các tổ chức UNDP và GIZ liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng bền vững. Chàng trai trẻ cũng tham gia các cuộc thi và đạt thành tích như: Á quân ASEAN Energy Youth Award; Giải nhất Sáng tạo xanh tổ chức bởi Green ID; Giải ba Youth Climate Change Contest do UNDP tổ chức; Giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng Battle of Minds; Giải nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học của trường Đại học Bách khoa Hà Nội... |