"Máy thở" giúp doanh nghiệp hồi sức trong đại dịch
Dệt may là ngành chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19
Bài liên quan
Gần 700 lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội
Khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác chi trả chế độ BHXH
Kịp thời gỡ khó cùng doanh nghiệp và người lao động trong mùa dịch
Thời điểm khó khăn lịch sử
Sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh gây nên muôn vàn khó khăn, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp và người lao động.
Dịch bệnh cũng gây tác động lớn đến việc làm của người lao động dẫn đến tình trạng tham gia thị trường lao động giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên. Lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng, lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi là những nhóm dễ bị tổn thương do dịch Covid-19.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 20202, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 315,7 nghìn lao động, giảm 13,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Dịch Covid-19 không chỉ khiến lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm mà còn khiến số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng chóng mặt. Trong 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ, các đơn hàng xuất nhập khẩu bị hủy và dừng do các quy định phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chịu hàng loạt chi phí dẫn đến áp lực tài chính đe dọa sự ổn định sản xuất.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải sang nhượng mặt bằng do không gánh nổi chi phí. Nhiều doanh nghiệp tồn tại được cũng chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động.
Hơn nữa, theo điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động và khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hồi sức cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương đã đưa ra hàng loạt chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử vì đại dịch Covid-19, trong đó có các chính sách cần thiết như miễn giảm thuế, giãn nợ, tung các gói vay ưu đãi, cải thiện môi trường kinh doanh...
Hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải sang nhượng mặt bằng vì sản xuất bị đình trệ. |
Đặc biệt, dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Đây là hội nghị được các doanh nghiệp rất mong đợi bởi họ có hội để bày tỏ trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ những tâm tư, nguyện vọng để vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử.
Trong cuộc đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp tới đây, các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh sẽ được rõ ràng hơn khi được đưa ra bàn thảo, đối thoại công khai giữa cơ quan lý nhà nước và doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện Chính phủ đã đưa ra các chính sách, gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cần phân bổ minh bạch các gói hỗ trợ, đưa vốn vào cuộc sống đúng nơi, đúng doanh nghiệp để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.
Hơn nữa, dịch Covid-19 đang tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội với những phản ứng dây chuyền nên Chính phủ cần có những giải pháp tổng thể mạnh mẽ hơn để kích thích nền kinh tế vực dậy ngay sau khi dịch được khống chế; từ đó, có thể hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã và đang tiếp tục đưa ra các chính sách rất thực tế như hỗ trợ tài chính, tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch.
Hiện các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khốn khó, lao đao và rất cần những chính sách hỗ trợ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Theo ông Thân, công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 còn kéo dài nên việc chuẩn bị cho doanh nghiệp một tâm thế để sống chung với dịch bệnh và kinh doanh an toàn là vô cùng cần thiết. Vì vậy, nhất định cần đưa ra những giải pháp tổng thể, những định hướng chiến lược như những chiếc máy thở giúp doanh nghiệp hồi sức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm cơ hội mới hậu thời kỳ Covid-19.
Với tác động của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh và người lao động, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, việc triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động là cấp thiết giúp vực dậy nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và doanh nghiệp nói riêng.