Mê Linh dồn tổng lực “chạy nước rút” về đích Nông thôn mới
100% các xã về đích Nông thôn mới
Năm 2010, huyện Mê Linh bước vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, chỉ có 50% các xã đạt 11/19 tiêu chí; Cơ sở hạ tầng yếu và thiếu đồng bộ; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ có 13,5 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo đạt bình quân 8,64%.
Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn trong khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới song huyện Mê Linh đã nỗ lực và tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, 16/16 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Huyện dồn điền đổi thửa được 3.280ha, đạt 100% kế hoạch. Nhờ đó mà, bộ mặt nông thôn mới của huyện đã có nhiều khởi sắc đời sống Nhân dân được nâng cao. Nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới, làm thay da đổi thịt cả một vùng quê.
Nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới, làm thay da đổi thịt cả một vùng quê Mê Linh |
Quá trình trình triển khai, xây dựng Nông thôn mới, huyện Mê Linh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, lãnh đạo, đảng viên và Nhân dân về xây dựng Nông thôn mới.
Đồng thời, huyện cũng thường xuyên tổ chức tham quan, học tập mô hình điểm ở trong và ngoài thành phố cho cán bộ làm công tác xây dựng Nông thôn mới từ huyện đến các thôn, làng và đại diện các hộ dân.
Trong những năm qua, huyện Mê Linh đã tổ chức hàng trăm hội nghị quán triệt, học tập chương trình của Thành ủy với số lượng cán bộ, đảng viên tham gia khoảng 7.660 lượt người tham gia.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận đồng nên những năm qua Nhân dân trong huyện đã hiến 1.022m2 đất mở đường (trong đó các xã có tinh thần hiến đất mở đường cao như: Thạch Đà, Hoàng Kim, Tráng Việt); Tổng số ngày công lao động nhân dân tự nguyện đóng góp là 9.635 ngày. Đặc biệt trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, toàn huyện đã kêu gọi xã hội hóa ước đạt 342,692 tỷ đồng.
Hoàn thành tiêu chí trường học
Sau hơn chục năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Mê Linh đã đầu tư làm hơn 430km đường giao thông liên xã, thôn, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng với tổng kinh phí hơn 1.158 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa toàn huyện đạt 95%.
Huyện cũng đã xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hàng chục trường học với tổng kinh phí hơn 2.261 tỷ đồng, nâng số trường đạt chuẩn toàn huyện lên 50/73 trường. Nhà văn hóa, công trình thủy lợi, điện... cũng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện Mê Linh đang gấp rút hoàn thành đầu tư xây dựng hai ngôi trường trong tháng 9/2021 |
Dù 100% các xã trên địa bàn đã đạt tiêu chí trường học, tuy nhiên, để được công nhận về đích Nông thôn mới, huyện Mê Linh cần có ít nhất 2/3 tổng số trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Hiện, địa phương mới chỉ có 2/6 trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định là THPT Yên Lãng và THPT Quang Minh. Như vậy, huyện chưa đạt chỉ tiêu theo quy định.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết: Trên cơ sở rà soát, địa phương đã lựa chọn và bố trí ngân sách để nâng cấp 2 trường THPT Mê Linh và THPT Tiến Thịnh; Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học, phấn đấu đưa hai ngôi trường này đạt chuẩn quốc gia trong năm 2021.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh Phùng Đình Quý cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu về đích Nông thôn mới năm 2021, địa phương đã bố trí kinh phí xây dựng 2 trường THPT Tiến Thịnh và Mê Linh với ngân sách lần lượt là gần 45 tỷ đồng và 89 tỷ đồng. Hiện, cả hai dự án đang được gấp rút triển khai.
Liên quan đến tiến độ, ông Phùng Đình Quý cho biết, trong tháng 9/2021, cả hai ngôi trường sẽ cơ bản hoàn thành để trình Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các đơn vị liên quan thẩm định, đánh giá, công nhận đạt chuẩn quốc gia.
“Cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng, chúng tôi đang tiến hành đấu thầu mua sắm trang thiết bị; Phấn đấu xây dựng xong hạ tầng đến đâu, sẽ trang bị cơ sở vật chất luôn tới đó…”, ông Phùng Đình Quý thông tin thêm.
Hơn chục năm qua, tiêu chí giáo dục trong xây dựng Nông thôn mới huyện Mê Linh không ngừng được nâng cao. Đến nay, 16/16 xã và toàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 và THCS mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT hoặc tương đương đạt khoảng 95%. 100% các nhà trường có phòng học kiên cố. Cơ sở vật chất được đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |