Mô hình Trạm Y tế lưu động: Tăng cường "lá chắn", người dân thêm yên tâm
Trạm y tế lưu động đặt trong khuôn viên trường Tiểu học Thanh Xuân Trung. Trạm được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, hai bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, 10 máy đo SpO2, 1 bóng Ambu, test xét nghiệm nhanh Covid-19, trang phục bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn; Máy tính kết nối mạng; 2 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin; Đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác...
Trạm Y tế lưu động nằm trong khuôn viên trường học |
Là một trong nhiều người dân đến tiêm phòng Covid-19, qua sàng lọc ban đầu, bà Vũ Thị Lợi (phường Thanh Xuân Trung) có huyết áp lên đến 190. Ngay sau đó, bà được chuyển lên Trạm y tế lưu động. Tại đây, bà Lợi được đội ngũ y, bác sĩ khám, tư vấn theo dõi huyết áp trước khi tiêm.
Người dân được đo huyết áp khi đến tiêm vắc xin tại điểm trường Tiểu học Thanh Xuân Trung |
"Chúng tôi rất vui mừng khi có các trạm y tế lưu động ở gần nhà. Đây là điều rất thuận tiện khi cần được tư vấn hay khám bệnh. Người cao tuổi như chúng tôi nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, nên rất yên tâm", bà Lợi phấn khởi cho biết.
Nhiều người dân đồng quan điểm với bà Lợi, ngoài ra còn cho biết thêm, bất kể thông tin gì về dịch Covid-19 đều được y, bác sĩ tư vấn, hỗ trợ chăm sóc ngay. Người dân, nhất là người tuổi cao đều vui mừng khi có các Trạm Y tế lưu động này.
Bác sĩ Ngô Tăng Phương (Trạm Y tế lưu động phường Thanh Xuân Trung) cho biết, trạm có số điện thoại đường dây nóng. Khi nhận được cuộc gọi thông tin, ekip trực sẵn sàng lên đường đến các điểm cần trợ giúp bất kể thời gian ngày, đêm. Những trường hợp này sẽ được xử lý kịp thời, giữ an toàn ban đầu cho người bệnh sau đó phối hợp với đội cấp cứu 115 chuyển lên tuyến trên đối với những trường hợp thật sự cần thiết.
Bác sĩ Phương - Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động |
Theo bác sĩ Ngô Tăng Phương, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mô hình hoạt động Trạm Y tế lưu động là rất cần thiết, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Qua theo dõi phản hồi của người dân, mọi người đánh giá tốt mô hình Trạm Y tế lưu động này.
Tương tự, tại trường THCS Kim Giang, phố Hoàng Đạo Thành, quận Thanh Xuân, Trạm Y tế lưu động cũng được đặt trong khuôn viên trường do bác sĩ Lê Thị Bích Ngọc làm Trưởng trạm.
Bác sĩ trực tại Trạm Y tế lưu động phường Kim Giang |
"Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân có thể liên hệ với trạm bằng nhiều cách như qua điện thoại đường dây nóng, đại diện chính quyền địa phương hoặc nhiều trường hợp người gia lãng tai cần tư vấn trực tiếp trước và sau khi tiêm, đều được các bác sĩ tận tâm tư vấn", ông Phạm Xuân Thao chia sẻ.
Bác sĩ Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng Trạm y tế phường Kim Giang cho biết: "Trạm Y tế lưu động có từ một đến hai bác sĩ, hai điều dưỡng và các tình nguyện viên. Trạm được trang bị đầy đủ bình oxy cố định, di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác.
Chức năng chính của Trạm Y tế lưu động là quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh Trạm Y tế đang có sẵn), bởi vậy nên có lúc đường dây nóng ở trạm hoạt động xuyên đêm".
Mẫu xét nghiệm được lấy nhanh chóng |
Được biết, Trạm Y tế phường luôn có 5 nhân viên y tế và đội ngũ hỗ trợ từ các lực lượng như: Tình nguyện viên, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… hướng dẫn tận tình các kiến thức y tế cho người dân.
Ngoài ra, Trạm Y tế lưu động còn hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiêm chủng và góp phần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm |
Trạm cũng triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Đây được xem là điểm tiêm chủng hiệu quả.
Trạm Y tế lưu động cũng thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Vật tư y tế được chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra thường xuyên |
Trước đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, ngày 8/9, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-UBND về việc thành lập Trạm Y tế lưu động và Quyết định số 1986/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế hoạt động Trạm Y tế lưu động trên 11 phường.
Tủ thuốc tại Trạm Y tế lưu động |
Ngay sau đó, ngày 9/9, quận Thanh Xuân đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào khai thác sử dụng vận hành Trạm Y tế lưu động tại trường Tiểu học Thanh Xuân Trung - phường Thanh Xuân Trung. Đây là trạm y tế lưu động mẫu để từ đó nhân rộng ra 10 Trạm Y tế lưu động trên địa bàn, hoàn thành trong ngày 10/9/2021.
Kiểm tra cáng vận chuyển bệnh nhân |
Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
Theo các chuyên gia, chiến lược thành lập các Trạm Y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.