Mong được đóng góp nhiều hơn cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô
Anh Đỗ Hưng Phước (28 tuổi, Hướng dẫn viên du lịch của Vietravel) chia sẻ: "Thông qua báo Tuổi trẻ Thủ đô tôi được biết, trong hai ngày 14 và 15/10 tới sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đây là một sự kiện hết sức có ý nghĩa với thanh niên Thủ đô.
Đặc biệt, tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh sẽ đối thoại với 400 đại biểu thanh niên ưu tú tham gia đại hội về những vấn đề thiết thực liên quan đến thanh niên. Đây là cơ hội để cho chúng tôi được bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình với lãnh đạo thành phố, đồng thời cũng là dịp để chúng tôi cất lên được tiếng nói của thế hệ mình".
Anh Đỗ Hưng Phước bày tỏ mong muốn được đóng góp cho công nghiệp văn hóa của Hà Nội |
Vì thế, theo anh Hưng Phước, là một người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, anh cũng như đồng nghiệp của mình tha thiết mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
"Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Công nghiệp văn hóa với du lịch có quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, tôi mong muốn sẽ có nhiều chính sách, nhiều hoạt động ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút khách du lịch, tạo ra nhiều nguồn lực cho kinh tế và văn hóa của thành phố", anh Hưng Phước bày tỏ.
Theo anh Phước, nếu các doanh nghiệp lữ hành có được những chính sách ưu đãi, ưu tiên trong khai thác các tour, tuyến tham quan di sản văn hóa, các trải nghiệm hoạt động của địa phương, kết nối các miền văn hóa thì sẽ phát huy tối đa được việc giới thiệu những đặc sắc của văn hóa Hà Nội với du khách quốc tế. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng nên có thật nhiều các hoạt động độc đáo, mới mẻ, tăng cường kết nối, hợp tác với các đơn vị lữ hành thì sẽ tạo ra nhiều điểm tham quan hấp dẫn, níu chân du khách quốc tế ở với Hà Nội lâu dài hơn.
"Chúng ta có di sản phong phú, nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, làm sao để liên kết thành chuỗi sản phẩm thì mới có thể để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế. Có như thế mới không lãng phí tiềm năng dồi dào của chúng ta. Chúng tôi rất mong được giới thiệu nhiều hơn nữa những sản phẩm du lịch đặc sắc với du khách để góp phần nhỏ bé của mình trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội", anh Phước mong muốn.
Cũng cùng tâm nguyện với anh Hưng Phước, chị Trần Thị Thu Trang (27 tuổi) lại quan tâm đặc biệt đến các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội mà Lễ hội Thiết kế Sáng tạo là một trong những chuỗi sự kiện hoành tráng, hấp dẫn, mang đầy đủ "nhận diện" của Hà Nội năng động và sáng tạo.
Chị Trang cho biết năm ngoái được tham quan bốt Hàng Đậu, được hòa mình vào các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, chị và các bạn mình được thỏa thuê tận hưởng không khí tưng bừng, mới lạ, độc đáo và rất sáng tạo của lễ hội.
Chị Trần Thị Thu Trang mong muốn có nhiều hoạt động như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội |
"Ngắm các bạn tình nguyện viên phục vụ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023, tôi thực sự khâm phục và "thèm". Bởi lẽ, ở các bạn toát lên sự nhiệt tình, trẻ trung, năng động và một tình yêu vô điều kiện với Hà Nội mến yêu của chúng ta. Yêu là phải làm những hành động cụ thể để đóng góp sức lực, tình cảm, trí tuệ của mình vào việc phát triển thành phố này.
Không ai hiểu về sáng tạo, thích ứng nhanh và thích thú với sáng tạo hơn là giới trẻ. Hà Nội thì rất cần những không gian sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa. Do đó, chúng ta có thể đóng góp cho hoạt động sáng tạo bằng những việc đơn giản hơn như tham gia đội tình nguyện, hướng dẫn du khách, phục vụ công tác chuẩn bị Lễ hội.
Được biết, năm nay có khoảng hơn 300 tình nguyện viên tham gia phục vụ Lễ hội. Đây là hoạt động thiết thực để thanh niên Thủ đô tham gia quảng bá văn hóa, du lịch Thăng Long - Hà Nội. Tôi mong muốn rằng Hà Nội hãy tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động thúc đẩy sự sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Bên cạnh đó, không chỉ vào dịp lễ hội, mà bất cứ lúc nào, mỗi chúng ta đều có thể là một tình nguyện viên, một hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn, tiếp đón du khách thập phương và quốc tế; tham gia giữ vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan di tích, danh thắng… Đó cũng là đóng góp tích cực để phát triển công nghiệp văn hóa cho Hà Nội", chị Thu Trang chia sẻ.