Mong ước phía sau những tuyến đường được mở rộng... nửa chừng
Ý nghĩa của việc mở rộng các tuyến đường, tuyến hẻm theo quy chuẩn là điều ai cũng thấy cần nhưng việc thực hiện không dễ, do còn vướng nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nơi khu vực dân cư đó.
Có một thực tế, nhiều tuyến đường, con hẻm đã thực hiện việc mở rộng gần hết nhưng chẳng hiểu sao lại bỏ dở nửa chừng, để đó và kéo dài hàng chục năm không thực hiện tiếp. Việc bỏ dở công trình tạo thành những điểm thắt cổ chai, vừa mất mỹ quan vừa nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô lược ghi một số hình ảnh về những tuyến đường được mở rộng theo kiểu…"ba rọi" trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo người dân địa phương, thời điểm năm 2013, con hẻm 94, thuộc phường Phước Long B (lúc bấy giờ là Quận 9, nay hợp nhất thành TP Thủ Đức) còn là hẻm đất, nhếch nhác, đi lại khó khăn. Mùa mưa, đất dính bết lại, nhiều lúc trơn trượt rất khó đi.
Cũng thời gian này, chính quyền tiến hành nâng cấp con hẻm, trải nhựa và mở rộng thông thoáng, sạch sẽ. Tuy nhiên, không hiểu sao đoạn cuối hẻm với khoảng chục căn nhà không thể giải tỏa để mở rộng làm đường. Do đó, nơi đây tạo thành điểm thắt cổ chai khi kết nối với những tuyến đường khác trong khu vực, vừa nguy hiểm, vừa khó lưu thông.
Đối diện hẻm 94 là hẻm 61, cũng thuộc phường Phước Long B. Đầu hẻm có chiều ngang khoảng 3m, đi vào có chỗ rộng hơn, chỗ hẹp lại. Vào sâu bên trong, con hẻm đột nhiên mở rộng đến hơn 6m.
Theo người dân ở đây, có hiện tượng này là do trước đây ranh đất không đồng đều. Đến khi phát triển thì đất còn đến đâu người dân xây đến đó nên dẫn đến thực trạng trên. Đoạn mở rộng hơn 6m là do trước đây khu đất được phân lô bán nền, địa phương bắt thụt vào, cộng thêm phần hẻm hiện hữu nên mới thoáng rộng như thế.
Đường 68, thuộc phường Hiệp Phú, được mở rộng, rải nhựa từ năm 2003. Đây là tuyến đường nối liền khu dân cư Kiến Thiết (lâu đời) ra đường Lê Văn Việt. Con đường được thảm nhựa sạch đẹp, khang trang nhưng không hiểu sao còn khoảng 40m để nối ra đường Ngô Quyền lại tồn tại dãy nhà tạo thành điểm thắt cổ chai, hạn chế kết nối lưu thông và khá nguy hiểm khi có phương tiện qua lại.
Theo người dân, con đường được mở rộng đã 20 năm nhưng chẳng hiểu vì sao không thể làm tiếp?
Đường số 3, thuộc phường Trường Thọ, là trục đường chính trong khu vực nhưng hiện nay đoạn gần trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh vẫn còn 4 căn nhà tồn tại gần giữa con đường. Vào giờ tan học, các phương tiện lưu thông từ hướng đường Nguyễn Văn Bá về đường số 2 rất khó quan sát các cháu nhỏ. Nguyên nhân do vách của ngôi nhà hiện hữu và mặt đường bị thắt lại nên vô tình tạo thành điểm “mù”. Chỉ một chút nghịch ngợm, các em nhỏ bất ngờ từ sau bức tường lao ra phần đường thắt lại thì rất dễ xảy ra tai nạn.
Mặc dù giờ tan học có khá nhiều dân phòng, dân quân hỗ trợ giải quyết kẹt xe và ổn định trật tự nhưng khá vất vả. Trước đây tuyến đường này được cải tạo theo mô hình người dân hiến đất Nhà nước làm đường, do phần đất mất đi nhiều, lại không đền bù nên các chủ nhà này không đồng tình bỏ đất.
Đường 61, phường Phước Long B được đánh giá là trục đường đẹp của Quận 9 cũ. Con đường rộng rãi với quy mô 4 làn, ở giữa có dải phân cách. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 100m đoạn đấu nối vào đường Đỗ Xuân Hợp vẫn là con hẻm, với chiều ngang chưa bằng một nửa mặt đường mở rộng.
Theo một cựu cán bộ Quận 9, tuyến đường được hình thành vào khoảng năm 2000. Lúc đó, mô hình dân hiến đất (không có đền bù mà nhận một phần hỗ trợ) Nhà nước làm đường. Do nhiều hộ dân không chấp nhận, đòi tiền nên không giải phóng mặt bằng được. Vì vậy, tuyến đường dở dang. Đây cũng là điểm nóng về ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.
Hẻm 942, phường Trường Thọ được người dân địa phương thường gọi là hẻm Đại Đồng. Mặt đường hiện hữu của con hẻm có chiều rộng khoảng 5m, phần lề thêm 3m. Tuy nhiên, khi đến điểm đấu nối vào đường Kha Vạn Cân thì mặt hẻm chỉ còn 2m, kéo dài khoảng 30m. Vào giờ tan tầm, lượng người lưu thông vào hẻm đông nên thường xuyên ùn ứ tại đây.
Anh M, người dân địa phương cho biết, đoạn hẻm thắt nhỏ có từ trước năm 1975. Dọc theo tuyến hẻm là một nhánh sông nhỏ, lâu dần “teo” lại thành mương nước. Sau đó, chính quyền cho đặt cống hộp nên con đường rộng ra tạo thành nút thắt cổ chai như hiện nay.
Giao lộ đường số 2 và đường số 4 |
Tuyến đường số 4, phường Hiệp Bình Phước hiện đã được nâng cấp khang trang, rộng rãi, với quy mô 2 làn xe. Ngược lại, một điều khiến người dân bức xúc là đoạn cuối tuyến và những hẻm xung quanh lại lồi lõm, nhếch nhác.
Nếu đoạn hẻm ngay trước nhà 72/6 có chiều ngang khoảng 5m, đi thêm vài chục mét thì chiều ngang còn hơn 3m, sâu nữa thì chiều ngang còn dưới 3m. Theo người dân cư ngụ tại đây, đoạn hẻm có chiều ngang lớn là do mọi người tiến hành các thủ tục liên quan đến nhà đất thì buộc phải chừa lộ giới. Còn những đoạn hẻm nhỏ là nhà cũ, cư trú lâu đời.
Còn đây cũng là giao lô đường số 2 và đường số 4 nhìn từ đường số 2 thấy rõ điểm nghẽn cổ chai |
Tại giao lộ đường số 2 - số 4, cũng là điểm cuối của 2 tuyến đường này, mặt đường đang từ khoảng 8m, giựt xuống còn 3m (đường số 2) và khoảng 4m (đường số 4). Việc bóp nhỏ mặt đường khiến giao lộ này thường xuyên ùn ứ giao thông vào giờ tan tầm.
Hẻm 72 đường số 4 bị thắt cổ chai |
Còn nhiều lắm những con đường, tuyến hẻm đang trong tình trạng dở dang. Đằng sau việc không thể thực hiện việc mở rộng toàn tuyến của một con đường, một con hẻm chắc chắn là có những lý do nhưng rõ ràng là có thể làm được.
Việc tạo thành những nút thắt trên đường khiến nhiều nơi khi mở rộng không thể phát huy hết chức năng liên kết giao thông, thậm chí trở thành những công trình đầu tư có phần lãng phí. Người dân mong lắm những con đường, tuyến hẻm này sẽ thành đường thông, hè thoáng...