Một số phường ở Hà Nội phát “thẻ đi chợ” cho người dân theo ngày chẵn, lẻ
Đà Nẵng: Người dân được phát thẻ đi chợ 3 ngày/lần |
Sau ba ngày TP Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 giãn cách toàn Thủ đô 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7/2021, ngày 26/7, UBND quận Tây Hồ đã có văn bản chỉ đạo UBND các phường về việc triển khai làm “thẻ đi chợ” cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn quận.
Theo đó, để việc phát thẻ nhanh chóng, kịp thời, UBND quận Tây Hồ yêu cầu các phường khẩn trương triển khai và cung cấp thẻ vào chợ cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn quận xong trước ngày 27/7.
Cụ thể, mỗi hộ gia đình sẽ được cấp phát tối đa 5 thẻ vào chợ trên địa bàn phường cho một người, đảm bảo ba ngày đi chợ một lần luân phiên giữa các hộ gia đình; mỗi tổ dân phố trên địa bàn sẽ được UBND phường phân chia các giờ đi chợ khác nhau trong ngày theo từng khung giờ, nhằm thực hiện việc giãn cách mà vẫn đảm bảo đời sống cũng như nhu cầu mua nhu yếu phẩm hàng ngày.
Mẫu thẻ đi chợ của UBND phường Nhật Tân |
Tại các chợ, tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người ra vào chợ phải khai báo y tế qua quét mã QR điểm kiểm dịch, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách như quy định. Đồng thời, quy định khu vực xếp hàng vào chợ, có kẻ vạch giãn cách giữa các khách hàng để kiểm soát và quản lý thẻ vào chợ nhằm mục đích thực hiện tốt cho công tác truy vết.
Ngoài ra, tại các siêu thị tiện ích, các chuỗi cung cấp thực phẩm sạch trên địa bàn quận cần kiểm soát, hướng dẫn người đến mua hàng chấp hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định như kê khai quét mã y tế, sát khuẩn, khẩu trang, đảm bảo khoảng cách khi mua hàng và thanh toán.
Đối với những người lao động, người làm việc, người bán hàng, khách hàng ra vào chợ có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc được xác định mắc bệnh hoặc được xác định là đối tượng vòng 1 (F1) hoặc người tiếp xúc vòng 2 (F2) khi đang làm việc tại chợ thì sẽ được cách ly ngay tại khu cách ly tạm thời ở chợ để nhanh chóng kiểm soát.
Người dân phường Tứ Liên (Tây Hồ) nhận thẻ đi chợ |
Theo ghi nhận, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) là địa bàn đầu tiên ở Hà Nội áp dụng hình thức phát thẻ đi chợ cho người dân để hạn chế đông người, đảm bảo giãn cách tại các khu chợ dân sinh.
Ông Đặng Hữu Tiến - Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, người dân trên địa bàn phường bắt đầu đi chợ bằng thẻ vào chợ từ ngày 27/7 nhằm giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người, phòng dịch.
Ngoài việc phát thẻ đi chợ để hạn chế tập trung đông người, phường Nhật Tân còn phát thẻ lao động cho các hộ gia đình, mỗi hộ một người, được phép ra vào bãi đào phường Nhật Tân lao động trong thời gian giãn cách xã hội.
Trước đó, từ chiều 26/7, lực lượng chức năng phường Nhật Tân đã tới từng hộ dân để phát thẻ đi chợ. UBND phường chia 2 ngày chẵn, lẻ, ai có phiếu ngày chẵn thì đi ngày chẵn, ai có phiếu ngày lẻ thì đi chợ ngày lẻ.
Sáng nay, phường Nhật Tân đã huy động nhiều lực lượng chức năng đến các điểm chợ và khu vực áp dụng sử dụng thẻ đi chợ để hướng dẫn người dân thực hiện đúng cách. Nhiều trường hợp người dân không mang theo thẻ đi chợ sẽ không được vào và yêu cầu quay về.
Hiện nay, ngoài phường Nhật Tân đã hoàn thành phát phiếu đi chợ luân phiên cho người dân thì phường Bưởi, Yên Phụ, Tứ Liên cũng đang khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của UBND quận Tây Hồ.
Theo Sở Công thương Hà Nội, ngày 25/7, tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Tại các chợ, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá cả các mặt hàng tại chợ ổn định, tuy nhiên, tại một số chợ giá tăng nhẹ đối với một số mặt hàng rau củ và thịt. Sở Công thương Hà Nội cho biết, phương án đảm bảo an toàn cho chợ truyền thống, chợ dân sinh đã được kích hoạt. Trường hợp có chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm, phải đóng cửa tạm thời, sẽ xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Nếu chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại và nếu chưa thể mở lại thành phố sẽ bố trí các điểm bán lưu động. Theo thống kê, đến nay, Hà Nội có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán tạp hóa... và 455 chợ phân bổ khắp quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô. |