Nam tiếp viên Vietnam Airlines không tuân thủ quy định cách ly phòng dịch Covid-19 có bị xử lý hình sự?
Theo Cổng thông tin Bộ Y tế, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 chiều 1/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Ca bệnh BN1342 là trường hợp đầu tiên lây nhiễm Covid-19 từ khu cách ly. Sau khi về nhà, bệnh nhân này lây nhiễm cho BN1347. Từ BN1347 đến nay có thêm 2 bệnh nhân khác lây nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống, chiều 1/12. |
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, BN1347 và BN1342 đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà. Riêng BN1342 vi phạm rất nghiêm trọng về phòng chống dịch Covid-19 tại khu cách ly tập trung và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định. BN1342 là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, mắc Covid-19 lây nhiễm thứ phát từ người vùng dịch về.
Sau khi xét nghiệm hai lần cho kết quả âm tính (ngày 15 và 18/11), tiếp viên hàng không được về cách ly tại nhà (P305, tầng 3, số 50 Bạch Đằng, Phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Trong quá trình cách ly, tiếp viên này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: Mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, bạn nam (SN 1988, trú tại Phường 3, Quận 6, TP Hồ Chí Minh tư) tới sống cùng.
Ngày 28/11, tiếp viên này được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (BN1342, thông báo ngày 29/11/2020). Trước đó, trong khoảng thời gian từ ngày 14 - 18/11, BN1342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác và sau đó xét nghiệm dương tính là BN1325 (thông báo ngày 26/11)…
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi về vụ việc nam tiếp viên Vietnam Airlines không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nam tiếp viên Vietnam Airlines không tuân thủ quy định phòng dịch là hành vi rất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội và có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Sự việc đã khiến mọi người vô cùng hoang mang và lo lắng.
Hành vi thiếu ý thức này đã khiến ít nhất 3 người mắc Covid-19, nhiều người bị cách ly y tế do được xác định là F1, F2. Các cơ quan chức năng phải áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh, nhiều đơn vị cơ sở kinh doanh, trường học, học sinh bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhiều tổ chức, cá nhân, phát sinh chi phí phòng chống dịch. Do đó, hành vi của nam bệnh nhân rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo luật sư Cường, Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi như: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh và người mang mầm bệnh làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...
Do đó, trong trường hợp người nào có hành vi trốn tránh, không tuân thủ việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Đối với hành vi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quy định: Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; Người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng không tuân thủ quy định hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”. Trường hợp này được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Theo đó, người vi phạm bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm; Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 - 12 năm tù theo quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự.
Như vậy, những trường hợp được thông báo phải cách ly y tế nhưng không tuân thủ quy định dẫn đến lây lan dịch bệnh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi vậy căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ hành vi, mức độ nhận thức và trách nhiệm của người này; Đồng thời làm rõ những thiệt hại đã gây ra cho xã hội để quyết định có khởi tố hình sự hay không để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Ngoài ra, đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 mà sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa nhưng không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295, Bộ luật Hình sự.
Theo đó, mức hình phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm; Cao nhất đến 12 năm nếu làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên theo quy định tại khoản 3, Điều 295, Bộ luật Hình sự.
“Hành vi trốn tránh, không tuân thủ quy định về cách ly không chỉ là hành vi vi phạm về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hành vi này có thể gây ra hậu quả vô cùng lớn, nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại, làm thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống của đất nước. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét xử lý kịp thời để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng của các hành vi này”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.