Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội
Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi đối thoại |
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, đến gần hơn với công nhân, viên chức, lao động luôn là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia tại buổi đối thoại |
Tại chương trình, nhiều công nhân, lao động đã chia sẻ những băn khoăn thắc mắc về chính sách pháp luật lao động. Chị Nguyễn Thị Mai, Trường THCS Ngọc Lâm hỏi: Xin hỏi chuyên gia, các phụ cấp ưu đãi nghề sẽ thay đổi như thế nào khi cải cách tiền lương?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trả lời: Hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang rất quan tâm đến cải cách tiền lương dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024 tới đây.
Các chuyên gia giải đáp tại chương trình |
Nghị quyết 27-NQ/TW nhất quán quan điểm rằng trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương thì đội ngũ nhà giáo và lực lượng y tế sẽ được ưu tiên. Do đó, trong quá trình xây dựng chính sách, thang bảng lương, toàn bộ chế độ với đội ngũ nhà giáo, y tế được ưu đãi hơn so với các ngành nghề khác. Về phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo sẽ không tính ra mục riêng nữa mà sẽ tính chung vào trong tiền lương trả cho người lao động.
Người lao động đặt câu hỏi tại chương trình |
Anh Trần Mạnh Tuấn, phường Đức Giang hỏi: “Đơn vị tôi có 1 trường hợp sinh năm 1965, đã đóng bảo hiểm được 20 năm. Nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì doanh nghiệp cần giải quyết như thế nào? Từ 1/7 cải cách tiền lương thì cách tính cụ thể thế nào? Nếu người lao động đã nghỉ hưu nhưng vẫn muốn tiếp tục làm việc thì có được bố trí làm việc tiếp không? Thủ tục, hợp đồng thế nào?”.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp: 20 năm là thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, tuy nhiên vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Sinh năm 1965 thì vẫn phải đóng BHXH bình thường cho đến tuổi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu doanh nghiệp có thể sử dụng lao động này và sẽ không phải đóng BHXH cho NLĐ này nữa. Tuy nhiên, hợp đồng lao động khi ký với NLĐ đã được nghỉ hưu là loại hợp đồng lao động dành cho người cao tuổi. Doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề này khi làm hợp đồng.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền bổ sung: Từ 1/7, đơn vị sử dụng lao động này phải chuẩn bị vị trí việc làm cho NLĐ để các cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị chuyển xếp lương mới khi được áp dụng từ 1/7.
Đông đảo công nhân, lao động tham gia buổi đối thoại |
Phát biểu bế mạc chương trình, ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho biết, sau hơn 2 giờ tập trung làm việc liên tục nhiều câu hỏi về những vấn đề liên quan thiết thực đến người lao động như: Công tác an toàn, vệ sinh lao động; đặc biệt là việc nhận diện những vấn đề nổi cộm về BHXH, Luật Lao động… đã được giải đáp.
Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã trả lời cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ, hiểu kỹ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc; từ đó tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thực thi tốt chính sách pháp luật; đồng thời trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất để phòng tránh các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động.
Những tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng của các chuyên gia đã giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.