Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics
Hà Nội đề xuất 7 kiến nghị tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2020 |
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, sáng 26/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, qua 7 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành một không gian uy tín, kết nối sự tham gia, chia sẻ và phản hồi thông tin của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp. Qua đó, đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành logistics Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn |
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục. Đó là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Công bố Logistics Việt Nam năm 2020 |
Từ đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trước hết, các Bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistic đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi; Giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp; Triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan;
Cùng với đó, khẩn trương rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Trên cơ sở Quy hoạch, xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó có các giải pháp huy động nguồn lực hợp lý để đầu tư một cách hiệu quả.
Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu chào mừng Diễn đàn |
Bộ Giao thông Vận tải cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn; Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa; Phát huy vai trò của hệ thống cảng biển Việt Nam là cửa ngõ ra Biển Đông của nhiều hành lang vận tải ASEAN.
Các Bộ, ngành cũng cần nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics, có cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics trọn gói; Đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc cho các doanh nghiệp dịch vụ; Triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển thị trường dịch vụ logistics, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; chủ động đổi mới mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, phát biểu chào mừng tại diễn đàn, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Trong những năm qua, Việt Nam đã cải thiện Chỉ số hoạt động logistics (LPI), từ thứ hạng 53 trong năm 2010 lên 39 vào năm 2018 và xếp hạng cao hơn so với một số nước láng giềng trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Philippines, nhưng xếp sau Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông.
Các đơn vị ký kết hợp tác tại Diễn đàn |
Việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã tăng thêm động lực để xây dựng một ngành logistics mạnh mẽ và cạnh tranh. Các hiệp định thương mại này có thể đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các đối tác thương mại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dòng chảy thương mại cao hơn cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ logistics tốt hơn và cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, theo bà Stefanie Stallmeister, ngành logistics của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Trong cuộc khảo sát LPI năm 2018, nhiều doanh nghiệp cho biết Việt Nam có mức phí và lệ phí cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Việt Nam cũng bị xếp hạng thấp về hiệu quả của cảng biển và xếp thứ 83 trong số 141 quốc gia về hiệu quả của dịch vụ cảng biển và xếp thứ 103 về hiệu quả của dịch vụ vận tải hàng không và chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019.
Do đó, bà Stefanie Stallmeister cho rằng, mặc dù Việt Nam đạt được kết quả tích cực theo Chỉ số hoạt động logistics, vẫn còn nhiều việc cần làm để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực logistics.
Tham luận về xu hướng phát triển của ngành Logistics Việt Nam, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, để Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu có sức chống chịu tốt, cần đồng thời nâng cao nội lực sản xuất và biến Việt Nam thanh một trung tâm sản xuất toàn cầu. Tận dụng chiến lược “Trung Quốc +1” của các công ty đa quốc gia (giảm thiểu rủi ro Covid-19) để trở thành hạt nhân mới của chuỗi cung ứng khu vực. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có môi trường đầu tư hấp dẫn, nội lực sản xuất mạnh và hiện đại hóa ngành logistics.
Tại diễn đàn đã diễn ra Lễ ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam; Lễ ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Công ty CP Asean Cargo Gateway và Công ty TNHH TM DV Xuất nhập khẩu VINA T&T; Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel với Công ty CP Hàng không Vietjet.