Nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng, tránh tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái tung hoành
Xử lý hơn 3.200 vụ buôn lậu trong tháng 11/2020
Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 TP đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các ổ nhóm, đường dây buôn lậu lớn...; Coi đây nhiệm vụ quan trọng, cần sâu sát trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.
Dù liên tục kiểm tra, bắt giữ nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tháng 10/2020, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 527 vụ, xử lý 421 vụ; Phạt hành chính gần 3 tỷ đồng; Trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 4 tỷ đồng.
Điển hình là vụ việc ngày 22/10, Đội QLTT số 10 qua kiểm tra khu vực đỗ xe trả hàng hóa nội địa kho hàng ACSV thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài đã phát hiện 2 kiện hàng gồm 376 chiếc điện thoại di động iPhone các loại. Tại thời điểm kiểm tra chủ hàng không xuất trình hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không kiểm định chất lượng sản phẩm.
Trả lời báo chí mới đây, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, tháng 11/2020, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về niêm yết giá, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra trên địa bàn thành phố. Sản phẩm chủ yếu là hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như: Rượu, thuốc lá điếu, quần áo, đồ thời trang, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (BCĐ 389) TP Hà Nội, trong tháng 11/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 3.273 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách trên 340 tỷ đồng.
Điển hình, ngày 3/11, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (KCN Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp) đã phát hiện cơ sở này sản xuất quần, áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci với số lượng lên đến 124.101 chiếc quần, áo thành phẩm…
Nhiều đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để sản xuất, bán ra thị trường các loại sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng thu lời bất chính |
Tiếp đó, ngày 6/11/2020, Đội Quản lý thị trường số 1, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác 368, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 120 ngõ 97 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này đang tàng trữ 1.537 sản phẩm là máy hút thuốc lá, phụ kiện, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù, theo số liệu thống kê, tình hình vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại có giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên tính chất vụ việc lại có chiều hướng phức tạp và nguy hiểm hơn. Trong thời gian tới, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục QLTT TP Hà Nội, để trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa ở các tỉnh ven Hà Nội, sau đó xé lẻ đưa vào TP theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ.
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, bao bì, tem nhãn. Đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa
Để chủ động kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, góp phần bảo vệ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, mới đây Tổng Cục QLTT, Bộ Công thương, yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch Covid-19; Các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Tân Sửu 2021.
Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; Lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm lớn.
Đồng thời, Cục cũng sẽ xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và xử lý |
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12 này là các lực lượng chức năng thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhằm ổn định tình hình thị trường trong dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021; Tiếp tục phối hợp với cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường...
Tuy nhiên, theo đánh giá, để có thể ngăn chặn triệt để hàng lậu, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng đòi hỏi các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cần chấp hành các quy định của pháp luật, phát hiện, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn lậu. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng thông minh cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái: “Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp” mới đây, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, đại diện Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh cho rằng, vấn đề chống hàng giả, hàng nhái, rộng hơn là các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa bao giờ chấm dứt tại Việt Nam.
Đây là thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt khi công nghệ thông tin và thương mại điện tử phát triển như hiện nay.
“Vấn đề chống hàng giả, hàng nhái không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà đòi hỏi sự tham gia của cả giới doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Tại Việt Nam, tồn tại thực tế là bản thân một bộ phận người tiêu dùng vẫn đang sẵn sàng mua hàng giả, hàng nhái; Điều khó để các cơ quan chức năng xử lý triệt để", TS Thịnh nhìn nhận.
Do đó, theo ông Thịnh ngoài việc các cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, kiểm soát và xử lý, cần truyền thông mạnh hơn để hình thành thói quen tiêu dùng có trách nhiệm, tiêu dùng thông minh; Nếu biết là hàng giả mà vẫn dùng thì dần dần chúng ta sẽ hình thành thói quen dùng hàng giả, như vậy thì công cuộc chống hàng giả hàng nhái sẽ rất khó đạt được kết quả như mong muốn.