Thị trường da giầy nội địa các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái
Ảnh minh họa
Theo ước tính của Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO), năm 2019 tiêu thụ giầy dép tại Việt Nam đạt khoảng 190 triệu đôi (bình quân 1,9 đôi/người) và tiếp tục tăng do thu nhập đầu người tại Việt Nam tăng nhanh trong mấy năm qua.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp da giày trong nước đã hướng về thị trường nội địa và đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị và tăng cường khâu thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm hợp thời trang, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Chất lượng và kiểu dáng sản phẩm sản xuất trong nước ngày càng nâng cao đã từng bước khẳng định sự đúng đắn của chủ trương yêu nước: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tuy nhiên, thị trường giầy dép nội địa hiện có một nghịch lý là trong khi là nước xuất khẩu giầy dép đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), với số lượng xuất khẩu năm 2019 trên 1,2 tỷ đôi đạt kim ngạnh 18 tỷ USD, thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 100 triệu đôi giày dép các loại, trị giá gần 1 tỷ USD, chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Điều này có thể giải thích là do các doanh nghiệp da giày lớn trong nước và doanh nghiệp FDI chưa quan tâm phát triển thị trường nội địa song song với phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên cũng còn nguyên nhân nữa là do tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan tại thị trường trong nước hiện nay.
Với mức thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa lưu thông nội khối ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc, các nước ASEAN và Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu giầy dép và túi xách vào Việt Nam, tăng sức ép cạnh tranh đối với sản phẩm Việt Nam ngay tại thị trường trong nước. Hiện nay các sản phẩm cấp thấp, trung bình và hàng “không thương hiệu” của Trung Quốc hiện có mặt ở khắp nơi trong nước, mặc dù chất lượng không cao nhưng giày Trung Quốc dễ bán vì sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu mẫu, đặc biệt giá rẻ do nhập khẩu tiểu ngạch.
Ngoài ra, một số lượng lớn hàng giầy dép, túi xách là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được nhập vào Việt Nam bán với giá rất rẻ, gây thiệt hại cho chủ thương hiệu quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu giầy Việt. Nhiều cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố lớn trong nước bày bán những sản phẩm đính nhãn mác thương hiệu giầy thời trang nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Converse, Vans… có chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng, rất khó phân biệt giữa giày nhái và giầy thật.
Các giầy hàng nhái này được làm tại những thủ phủ chuyên về giày nhái tại Trung Quốc như Phúc Kiến, Hồ Nam, Hà Bắc, Quảng Châu, nơi có những khu chợ rộng lớn hàng trăm hecta bán buôn các loại giầy dép hàng giả, hàng nhái. Chỉ cần mỗi đôi lấy số lượng nhất định, khách hàng có thể đặt làm nhãn mác giả của bất cứ thương hiệu nào, hay tem mác xuất xứ của bất cứ nước nào. Có rất nhiều loại nhưng hàng nhái loại tốt nhất có thể giống hàng chính hãng tới 80% mà giá chỉ bằng 1/10. Hàng năm các hãng lớn đều cho ra những mẫu thiết kế mới, khi có mẫu mới ra, gần như ngay lập tức xuất hiện hàng giả theo các cấp độ “replica (sao chép)”, “super fake (hàng nhái siêu cấp)” sẽ ra trước, cuối cùng là hàng fake 1, fake 2 (hàng nhái loại 1, loại 2) với giá bán khác nhau.
Hiện nay, tình trạng hàng nhái cũng xảy ra thường xuyên đối với các thương hiệu trong nước sản xuất có uy tín và đang bán chạy trong nước, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp này. Một số nhà sản xuất trong nước cố tình làm hàng giả, đặt nhãn hàng hóa có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng. Nhất là thủ đoạn bóc nhãn xuất xứ từ nước ngoài và ghi xuất xứ sản phẩm Việt Nam (Made in Vietnam), để gian lận thương hiệu xuất khẩu vào Mỹ và các nước có FTA với Việt Nam, gây mất uy tín cho sản phẩm da giầy xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng giả, hàng nhái thương hiệu giày dép, túi xách của Việt Nam và của nước ngoài được tiêu thụ ngày càng nhiều qua các shop online, rất khó có thể ngăn chặn hết được.
Theo Bộ Công thương, các cơ quan quản lý thị trường tại các địa phương trong nước đã tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường thường xuyên trong năm, nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã có sự phối hợp, thong qua các kênh trao đổi thông tin chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả và về tình hình tiêu thụ hàng giả trên bịa bàn để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.
Bộ Công thương dự kiến triển khai hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp của các doanh nghiệp đối với những vi phạm về sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái tại các cửa hàng và cả bán hàng trên thương mại điện tử; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ký cam kết “Nói không với hàng giả, hàng nhái”.
Nhằm tôn vinh các thương hiệu có uy tín của ngành da giầy Việt Nam, được sự bảo trợ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Hiệp hội LEFASO đã phát động “Chương trình bình chọn thương hiệu giầy dép, túi xách uy tín năm 2019”. Tại lễ công bố tổ chức tháng 11/2019, chương trình đã chọn được 18 thương hiệu giầy dép, túi xách thương hiệu Việt có uy tín năm 2019. Hiệp hội dự kiến tổ chức hoạt động bình chọn thương hiệu da giầy uy tín theo định kỳ 2-3 năm/lần.
Đối với các doanh nghiệp, ngoài những cải tiến về chất lượng, mẫu mã và giảm giá thành nhằm đưa sản phẩm dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước, cũng cần có ý thức bảo vệ thương hiệu là tài sản sở hữu trí tuệ của mình, thông qua thực hiện ngay thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và tại các cơ quan đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các nước là thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp.
Đối với các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp cần có các thông tin cung cấp cho khách hàng để nhận biết phân biệt hàng giả, hàng nhái, tránh để các đối tượng lợi dụng trục lợi. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nghiên cứu sử dụng các tem chống giả QR code iCheck được dán trên sản phẩm để bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, cần tự nâng cao kiến thức của mình, chọn mua các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để góp phần ngăn chặn nạn hàng giả.