Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Hà Nội trong thời kỳ mới
Bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên
Cùng dự đại hội có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội; đại diện Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố bạn; liên chi hội Nhà báo các cơ quan báo chí trung ương; văn phòng đại diện các cơ quan báo chí Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội và 135 đại biểu thay mặt cho hơn 1.000 hội viên đang sinh hoạt tại 18 liên chi hội, chi hội Nhà báo và Ban liên lạc Nhà báo cao tuổi trực thuộc Hội Nhà báo thành phố Hà Nội.
Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 Hội Nhà báo TP Hà Nội diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đang đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những tháng đầu năm 2020, nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra, có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam, trong đó có các cơ quan báo chí của Hà Nội đã giảm sút số lượng phát hành, doanh thu quảng cáo. Bên cạnh đó, thế giới đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rộng mở và đã có những tác động rõ nét cả tích cực và tiêu cực. Sự phát triển công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ truyền thông xã hội vừa tạo ra thách thức, vừa tạo cơ hội cho những người làm báo Việt Nam.
Các đại biểu dự đại hội |
Đánh giá về nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng, 5 năm qua là giai đoạn hoạt động sôi nổi, tích cực của báo chí Thủ đô. Hội và các liên chi hội, chi hội nhà báo đã thực hiện đợt tuyên truyền sâu rộng về Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; 8 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, báo chí Hà Nội tập trung nêu bật thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô.
5 năm qua (2015 - 2020), với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể, gắn với từng chi hội, hội viên và hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan báo chí. Bên cạnh chú trọng bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, Hội còn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên với việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo các chuyên đề, chuyên ngành, coi đây là nhiệm vụ quan trọng; Tổ chức quán triệt và phổ biến Luật Báo chí (sửa đổi năm 2016), 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; tổ chức các chuyến đi tác nghiệp thực tế viết bài tại cơ sở trong và ngoài TP.
Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán đọc diễn văn khai mạc đại hội. |
Hội cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm, hội thảo, trao đổi nghiệp vụ với Hội Nhà báo các tỉnh, TP; Tổ chức thường niên các cuộc thi báo chí, sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao hàng năm, khen thưởng bài báo hay viết về Hà Nội đăng trên báo Xuân - báo Tết tham gia tại Hội báo Xuân, mà điển hình là Giải báo chí Ngô Tất Tố, giải báo chí viết về gương "Người tốt, việc tốt". Động viên, khích lệ và tổ chức cho hội viên tham gia giải báo chí chuyên ngành khác ở T.Ư, các ngành...
Đặc biệt, với chức năng của mình, Hội Nhà báo TP đã thực hiện tốt công tác tham mưu về tổ chức 2 giải báo chí của Thành ủy là Giải báo chí về Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của TP Hà Nội và Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua 2 năm triển khai, lãnh đạo T.Ư, các bộ, ngành, giới báo chí và bạn đọc đánh giá cao công tác tổ chức và chất lượng các tác phẩm báo chí tham dự. Riêng báo chí Hà Nội đã có hơn 600 tác phẩm báo chí tham dự ở 4 loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo in và báo điện tử. Có nhiều tác phẩm, tác giả thuộc các cơ quan báo chí Hà Nội đạt giải cao.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo TP cũng luôn quan tâm tạo điều kiện cho hội viên hành nghề và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên. Cùng với việc tạo điều kiện cho hội viên hoạt động nghiệp vụ, các hành vi cản trở nhà báo, hội viên hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật, vi phạm Luật Báo chí đều được Hội lên tiếng bảo vệ kịp thời.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chúc mừng Ban Chấp hành Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025. |
Phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới cần quan tâm đến 5 vấn đề
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, đánh giá: Những năm qua, Hội Nhà báo thành phố đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên các nhà báo cùng các cơ quan báo chí Hà Nội thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và thành phố, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Pháp luật của nhà nước và của thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại đại hội |
Nhiệm kỳ tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cùng với báo chí cả nước, báo chí Thủ đô phải đối diện với nhiều thách thức. Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa và thông tin đang diễn ra rất phức tạp và quyết liệt.
Bước phát triển của truyền thông kỹ thuật số đi kèm theo đó là chuyển đổi số mạnh mẽ và sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội đặt ra nhiều vấn đề về quản lý báo chí, đổi mới hoạt động nghiệp vụ báo chí, nâng cao vai trò, trách nhiệm, đạo đức người làm báo. Những khó khăn về sự sụt giảm lượng phát hành báo in và doanh thu quảng cáo cho các cơ quan báo. Một số cơ quan báo chí không có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ số, bị tụt hậu.
Việc thực hiện quy hoạch các cơ quan báo chí của thành phố tuy tiến hành theo lộ trình song ít nhiều gây xáo trộn tới cuộc sống, tâm tư, tình cảm, cuộc sống của những người làm báo. Đây là những vấn đề cần được Hội Nhà báo thành phố Hà Nội quan tâm để xác định nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp.
Chỉ đạo phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh 5 vấn đề chính cần quan tâm. Thứ nhất là quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 5 khoá X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Hội Nhà báo Hà Nội và các cơ quan báo chí cần có kế hoạch hành động thiết thực nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo đã được nêu tại các Chỉ thị, Nghị quyết nói trên.
Trước mắt, Hội Nhà báo thành phố cần làm tốt nhiệm vụ tập hợp đội ngũ, khích lệ, động viên, góp ý để báo chí Thủ đô làm tốt công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chào mừng kỷ niệm, các ngày lễ lớn trong năm 2020.
Thứ hai là củng cố, kiện toàn tổ chức hội nhà báo các cấp; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, phấn đấu để có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc đạt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí khác; khắc phục những hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ; tăng cường tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, chính trị tư tưởng nhằm hỗ trợ các nhà báo quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Báo chí Thủ đô phải thực sự trở thành cầu nối giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước với nhân dân, cổ vũ nhân dân Thủ đô và cả nước thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, động viên khích lệ nhân dân tham gia các công việc của đất nước, của Thủ đô một cách sáng tạo, hiệu quả.
Thứ ba là xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa tổ chức hội với các cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; Cần chú trọng hơn nữa tôi nhiệm vụ xây dựng tình đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, qua đó nâng cao hiệu quả công tác báo chí.
Thứ tư là thường xuyên đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cả về chính trị và về nghiệp vụ cho các nhà báo, hội viên bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với các cơ quan của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan của thành phố Hà Nội để tổ chức mở lớp tại cơ quan Hội hoặc cử hội viên theo học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo...; qua đó bổ sung nguồn nhân lực báo chí có chất lượng cao. Các hội viên cần thực hiện thật tốt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, lấy đó làm "kim chỉ Nam” trong hoạt động nghiệp vụ cũng như khi sử dụng mạng xã hội.
Thứ năm là làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thành phố và Trung ương về chế độ, chính sách liên quan đến báo chí. Theo Quyết định số 18/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025, chúng ta sẽ thực hiện sắp xếp 15 cơ quạn báo chí. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2020, thành phố còn 8 cơ quan báo chí. Quy hoạch báo chí là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao tặng Hội Nhà báo thành phố bức trướng với dòng chữ: “Đoàn kết - Bản lĩnh - Trách nhiệm - Sáng tạo/ Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô Giàu đẹp - Văn minh - Hiện đại". |
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: Những thành quả về sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự thành công trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 của cả nước, có sự đóng góp không nhỏ của báo chí Hà Nội. Đồng chí Hồ Quang Lợi ghi nhận tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, khách quan của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội khi đánh giá tình hình và hiệu quả hoạt động của Hội, đồng thời đề nghị trong báo cáo chính trị của đại hội cần đánh giá sâu hơn nữa kết quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Từ đó làm rõ hơn nữa những biện pháp khắc phục khó khăn, bất cập để nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp Hội và báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.
Đồng chí Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, đặc biệt là năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và giới báo chí, đề nghị Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, các liên chi hội, chi hội, các cơ quan báo chí tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Hội theo hướng phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tinh thần năng động, sáng tạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo…
Nhân dịp này, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thay mặt Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân – Uye ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng Hội nhà báo TP Hà Nội bức trướng với dòng chữ: “Đoàn kết - Bản lĩnh - Trách nhiệm - Sáng tạo/ Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô Giàu đẹp - Văn minh - Hiện đại".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho 10 tập thể |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho đại diện chi hội Nhà báo báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho cho 14 cá nhân |
Cũng nhân dịp diễn ra Đại hội Hội Nhà báo TP Hà Nội lần thứ VII, Thành uỷ đã có Quyết định tặng bằng khen cho 10 tập thể cơ quan báo chí (trong đó có chi hội báo Tuổi trẻ Thủ đô) và 7 cá nhân.
UBND thành phố Hà Nội cũng trao tặng bằng khen cho 14 hội viên nhà báo trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Thu Phương – thư ký chi hội, Trưởng ban Thời sự - Bạn đọc - báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trao Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội |
Hội Nhà báo Việt Nam cũng trao tặng bằng khen cho 8 hội viên có thành tích xuất sắc của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, trong đó có đồng chí Ngô Vương Tuấn - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Đại hội công bố kết quả bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo thành phố Hà Nội khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 15 đồng chí; kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội. Đại hội cũng đã bầu 3 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra của Hội; bầu 21 đại biểu chính thức, 4 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội và thể hiện quyết tâm xây dựng tổ chức Hội có nhiều khởi sắc và nâng cao chất lượng hoạt động, công tác Hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Danh sách Ban Chấp hành Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025: 1. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô; 2. Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; 3. Đồng chí Nguyễn Sỹ Lâm, Phó Chánh Văn phòng Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; 4. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô; 5. Đồng chí Lê Thị Ánh Mai, Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; 6. Đồng chí Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; 7. Đồng chí Kiều Thanh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; 8. Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; 9. Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới; 10. Đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; 11. Đồng chí Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới; 12. Đồng chí Đoàn Anh Tuấn, Trưởng ban Bạn đọc, Báo Hànộimới; 13. Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; 14. Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; 15. Đồng chí Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô. - Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội: Đồng chí Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội: 1. Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới; 2. Đồng chí Kiều Thanh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; 3. Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị. |