Nâng cao vai trò của người lao động trong bảo vệ môi trường
Phát hiện một cá nhân đổ gần 100 tấn rác thải ra môi trường Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp làm sạch môi trường Vinamilk: Hành trình phát triển bền vững nhìn từ 3 khía cạnh E-S-G |
Hơn 67.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày
Tham dự “Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường năm 2024” có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh; Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển; đại diện đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia lĩnh vực môi trường, các đơn vị doanh nghiệp và đông đảo công nhân lao động.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn coi bảo vệ môi trường là vấn đề cốt yếu.
Trong quá trình xây dựng các kế hoạch bảo vệ môi trường, công nhân lao động luôn là trọng tâm, là nguồn lực quan trọng giúp các công tác này đạt được nhiều kết quả tích cực. Mỗi người lao động là nhân tố quan trọng trong việc biến rác thành vàng, để đạt được các mục tiêu trong bảo vệ môi trường thì công nhân, người lao động là yếu tố then chốt.
Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển phát biểu khai mạc |
Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” đã được lên ý tưởng tổ chức từ năm 2019, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực góp phần tăng cường vai trò của người lao động trong giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh…
Năm 2024, Diễn đàn tiếp tục được tổ chức với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là dịp để tôn vinh những sáng kiến, ý tưởng của người lao động trong công tác bảo vệ môi trường.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia tham dự tập trung thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó phân tích vai trò quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, sự chuẩn bị của các địa phương, việc nâng cao nhận thức cho từng hộ dân, đồng thời nâng cao kiến thức cho công nhân môi trường trong việc phân loại, tránh việc người dân phân loại lại bị thu gom cùng 1 chỗ.
Diễn đàn cũng phân tích, nêu cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong tiến trình phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung phát biểu tại Diễn đàn |
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung cho biết: Hiện, mỗi ngày, toàn quốc phát sinh khoảng 67.110 tấn chất chất thải rắn sinh hoạt, thế nhưng khoảng 65% tổng lượng chất thải lại đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.
Trung bình cả nước phải chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD năm). Đây là con số không hề nhỏ với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ người lao động
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - khẳng định, công nhân lao động có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực môi trường. Theo ông Thọ, công nhân là lực lượng chính trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Vai trò của công nhân đối với việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và chống suy giảm đa dạng sinh học đã được khẳng định. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, việc tổ chức diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, tập huấn, đào tạo và hướng dẫn cho người công nhân hiểu được vai trò của họ trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Đại diện Công đoàn Điện lực Việt Nam, ông Vũ Văn Minh, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động khẳng định, bảo vệ môi trường là bảo vệ người lao động. Tập đoàn Điện lực Việt Nam với định hướng trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, “sản xuất an toàn và xanh, sạch” nên công tác an toàn và môi trường là vô cùng quan trọng, phải luôn đặc biệt quan tâm mọi lúc, mọi nơi.
Công nhân, người lao động tham dự diễn đàn |
Trong vòng 10 năm qua, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để nâng cấp và xây dựng lại hệ thống nhà xưởng, hệ thống hút bụi, thông gió, xử lý chất thải, văn phòng làm việc và hệ thống đường nội bộ đẹp đẽ, thoáng mát. Nhờ thực hiện tốt phong trào xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động nên sức khỏe của người lao động luôn được bảo đảm.
Nhiều công nhân bày tỏ quan điểm về vai trò của người lao động trong bảo vệ môi trường |
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, công nhân, người lao động là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội. Trong công tác bảo vệ môi trường, người lao động có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm môi trường đồng thời là lực lượng chủ chốt thực hiện hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất.
Diễn đàn tiếp tục được tổ chức với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là dịp để tôn vinh những sáng kiến, ý tưởng của người lao động trong công tác bảo vệ môi trường |
“Thời gian tới, cần có các sáng kiến, giải pháp để sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và thực hiện tiêu dùng xanh, bền vững của người dân trên cả nước nói chung và người lao động nói riêng”, ông Dũng nhấn mạnh.