Mối đe dọa từ “những khuôn mặt mộc” nơi công cộng
4 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh |
Vẫn còn biểu hiện chủ quan
Những ngày qua, khi dịch bệnh quay trở lại tại Đà Nẵng, phần lớn người dân cả nước luôn có ý thức đeo khẩu trang. Ngay từ làn sóng đầu tiên, nhờ khuyến cáo sớm và người dân có ý thức thực hiện nghiêm túc nên việc phòng, chống dịch Covid-19 đã có những kết quả đáng mừng. Vì vậy, khi làn sóng thứ hai của Covid-19 ập đến, chúng ta vẫn luôn sẵn sàng những phương án và cả kinh nghiệm để đối phó với dịch bệnh.
Theo quan sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, hầu như người dân Hà Nội đều có ý thức rất cao. Trên các phương tiện giao thông công cộng, không chỉ dán tấm biển có dòng chữ nhấn mạnh: “Chúng tôi từ chối phục vụ hành khách không đeo khẩu trang” mà thái độ của nhân viên phục vụ cũng rất dứt khoát, ai không đeo khẩu trang hoặc có mà không mang theo đều bị kiên quyết mời xuống xe.
Một bộ phận người dân Hà Nội vẫn có biểu hiện chủ quan không đeo khẩu trang |
Tại các siêu thị, nhân viên luôn nhắc nhở khách đến mua hàng phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào cửa hàng. Ngay cả với những em nhỏ nghịch ngợm cũng không ngoại lệ. Nếu các em không đeo khẩu trang thì nhân viên siêu thị sẽ yêu cầu bố mẹ, người thân đi cùng đưa các em ra ngoài. Như vậy, việc thực hiện tốt các khuyến cáo phòng dịch đã tạo nên ý thức cho cả cộng đồng không thể lơ là.
Một số khách sạn, trung tâm thương mại còn chuẩn bị sẵn khẩu trang. Như khách sạn Deawoo Hà Nội, tại cửa trước khi bước vào sảnh, lễ tân sẽ nhắc khách đeo khẩu trang, nếu không mang theo sẽ được phát một chiếc khẩu trang y tế để đeo vào, sau đó mới đo thân nhiệt bằng máy để hạn chế khách tiếp xúc với thiết bị đo. Khi kết quả hiển thị trên màn hình đảm bảo khách không bị sốt thì sẽ được mời vào bên trong.
Những người lưu thông trên đường, tại các hoạt động có tập trung đông người, ở tại các chợ truyền thống, cảnh sát khu vực và dân phòng cũng sẽ đi đến tận nơi để nhắc nhở đeo khẩu trang. Việc mua bán hàng hóa, thức ăn cũng được tiến hành nhanh gọn hơn, không còn vừa mua bán vừa tâm tình như trước kia.
Một số quán nhậu vẫn hoạt động bất chấp dịch Covid-19 |
Trong khi đó, ở các ngõ nhỏ, nhất là các quán bia hơi, nhậu vỉa hè, quán trà đá… một bộ phận người dân lại khá chủ quan. Cứ chiều chiều, quán bia hơi trên con ngõ nhỏ gần nhà văn hóa số 3 thuộc phường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), thực khách tụ tập khá đông. Các bàn ngồi san sát với nhau, chẳng ai đeo khẩu trang.
Những cuộc nhậu như thế này thường lai rai kéo dài từ vài chục phút đến cả tiếng, hầu hết đều để… mặt mộc. Tương tự, trong sân khu tập thể ở gần đó, hàng chục người lớn và các em nhỏ đánh cầu lông, vui chơi cũng đều không đeo khẩu trang.
Tại quán nướng nổi tiếng khu vực Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) khách vẫn tụ tập đông… như chưa hề có cuộc cách ly. Đông đảo nhất phải kể đến những quán trà đá vỉa hè. Vào buổi trưa, dân công sở sau khi ăn cơm xong vẫn giữ thói quen tạt vào làm vài cốc nước, cắn đĩa hạt hướng dương, hút thuốc thả khói mù mịt và buôn chuyện chờ đến giờ làm việc buổi chiều.
Ngồi trong không gian tưởng là mở nhưng lại vô cùng chật chội trên vỉa hè, khu đất tận dụng nào đó, các ghế san sát với nhau. Cốc trà người này vừa uống chủ hàng chỉ kịp tráng qua lại rót tiếp cho người sau uống. Ở cự li gần, nói chuyện, uống nước chung, nếu chẳng may có người mang mầm bệnh thì hậu quả thật khôn lường.
Cần có chế tài để tránh dịch bệnh lây lan rộng
Ai cũng biết mỗi lần dịch bệnh bùng phát thì không một người nào trong toàn thành phố, toàn xã hội không bị ảnh hưởng. Các cơ quan chức năng thì căng mình chống dịch, ngành y tế thì nỗ lực cứu chữa người bệnh trong khi các bệnh viện trước đó đã thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Mọi hoạt động làm ăn, buôn bán, vui chơi đều bị đình trệ, ảnh hưởng và thậm chí công ty phá sản, tính mạng con người cũng không giữ được. Đâu chỉ thiệt hại về kinh tế, về sức khỏe, hậu quả mà dịch bệnh để lại còn nhiều năm về sau cho toàn xã hội.
Hiện nay, các ngành chức năng đang căng hết sức mình để khống chế dịch. Dù đã có những người tử vong do mắc nhiều bệnh nền trước khi nhiễm Covid-19 nhưng ngoài Đà Nẵng, các tỉnh, thành khác hầu hết chưa đến mức phải giãn cách xã hội. Có được trạng thái bình thường một cách tương đối trong thời dịch bệnh như vậy thì không chỉ ngành y tế, chính quyền, các cơ quan truyền thông mà mỗi người dân cũng phải đồng hành.
Với khoảng cách san sát như thế này, rất có thể người dân sẽ bị lây nhiễm Covid-19 |
Hàng ngày Bộ Y tế cập nhật thông tin qua tin nhắn điện thoại, zalo, các phương tiện thông tin truyền thông, ngay cả tại các điểm công cộng cũng đều có các tấm pano, áp phích khuyến cáo phòng chống dịch. Đeo khẩu trang là cách tốn ít chi phí mà lại rất hiệu quả để tránh cho bản thân mình bị lây nhiễm từ người khác, từ môi trường xung quanh. Đeo khẩu trang cũng hạn chế virus có thể lây cho người khác nếu chẳng may mình bị bệnh.
Vậy mà, vẫn còn những người thiếu ý thức không đeo khẩu trang, “phơi mặt” ra chỗ đông người. Phải biết rằng cơ chế lây lan của Covid-19 là rất khủng khiếp. Chỉ một người mắc bệnh rồi sẽ lan ra cấp số nhân trong cộng đồng nếu như không có các biện pháp phòng bị cần thiết.
Vì vậy, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người để tránh tiếp xúc là cách tốt nhất để chúng ta tránh lây nhiễm cho người khác và bảo vệ bản thân. Thời đại công nghệ 4.0, ai cũng có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh, chưa kể nhiều phương tiện giải trí, giao lưu khác như máy tính, máy tính bảng, TV…
Không ai cô đơn hay buồn chán hay bị cách ly hoàn toàn với thế giới dù là chỉ một mình trong căn phòng kín. Nên có ý thức nhắc nhở nhau thay vì tụ tập một vài buổi như những ngày bình thường, chúng ta gặp gỡ nhau trên mạng xã hội, trao đổi thông tin qua điện thoại để tránh được nguy cơ phải cách ly hoàn toàn và thậm chí là còn phải điều trị tại bệnh viện.
Nên nâng cao ý thức, tránh tụ tập đông người và phải đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19 |
Một số thành phố đã thực hiện “thẳng cánh” việc không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt tiền chứ không còn nhắc nhở, khuyến cáo nữa. Đó cũng là biện pháp “cực chẳng đã” nhưng cần thiết khi dịch bệnh có thể có ở bất cứ đâu xung quanh chúng ta. Tiền phạt cũng đánh vào ý thức, bởi khi con người không tự ý thức được thì đến lúc pháp luật phải ra tay.
Nên chăng tại Hà Nội cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh. Bởi từ trong truyền thống người Hà Nội đã vốn có nền tảng văn hóa ứng xử tốt, tôn trọng bản thân và tôn trọng cộng đồng. Văn hóa ứng xử ấy càng phải được phát huy trong những lúc cần thiết và cần kíp như thế này.
Có ý thức đeo khẩu trang bảo vệ bản thân và cộng đồng là góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, giúp cho công tác phòng, chống dịch được hiệu quả hơn. Điều đó cũng góp phần giảm ngân sách cho nhà nước, cho chúng ta sớm chiến thắng bệnh dịch để mong cuộc sống sớm bình thường trở lại.