New Zealand thiệt hại nặng nề do cơn bão lớn nhất thế kỷ tấn công
Ảnh: Reuters |
Ảnh hưởng của bão Gabrielle đã khiến hiều ngôi nhà chìm trong biển nước, lực lượng cứu hộ phải đưa trực thăng tới ứng cứu.
Hiện cảnh sát đã ghi nhận 5 nạn nhân thiệt mạng do cơn bão. Hơn 10.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề được yêu cầu tiết kiệm nước và lương thực do lo ngại tình trạng thiếu hụt xảy ra sau bão. Hiện vẫn còn khoảng 225.000 hộ gia đình tại Đảo Bắc bị cắt điện sinh hoạt.
Thiệt hại do cơn bão cũng gây ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, đường cao tốc đóng cửa khiến các thị trấn bị chia cắt, nước lũ dâng cao đến mức hàng trăm người phải ngồi chờ giải cứu trên mái nhà.
Ảnh: Reuters |
Tình trạng mất điện, nước và sóng điện thoại diễn ra trên diện rộng. Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các thị trấn nông thôn vốn bị cô lập từ trước khi cơn bão đổ bộ.
Theo đánh giá của Bộ trưởng phụ trách xử lý các vấn đề khẩn cấp New Zealand Kieran McAnulty đây là một thảm họa nghiêm trọng và sẽ mất nhiều tuần để tái thiết những khu vực bị ảnh hưởng.
Tình trạng lũ lụt tại đảo Bắc New Zealand diễn ra chỉ hai tuần sau khi Auckland, thành phố lớn nhất đất nước vừa phải trải qua trận mưa lịch sử gây lũ quét và sạt lở đất. Trong khi đó, quốc gia châu Đại Dương này vốn đang ở trong những tháng khô hạn nhất trong năm.
Ảnh: AFP |
Các chuyên gia cảnh báo những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu ấm lên. Trong đó, New Zealand mặc dù nằm ở khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới thường hình thành ở phía Bắc.
Ông Sam Dean, chuyên gia Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand cho rằng biến đổi khí hậu không nhất thiết làm tăng tần suất xảy ra bão nhiệt đới, nhưng sẽ khiến các cơn bão mạnh hơn.
Ảnh: AFP |
Những cơn bão như Gabrielle có thể hình thành và di chuyển quanh bất cứ khu vực nào của New Zealand, như thế rủi ro thiệt hại có thể xảy đến với cả nước.
Bộ trưởng Biến đổi khí hậu New Zealand James Shaw hôm 14/2 cũng thừa nhận mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu với bão Gabrielle.
“Tôi chưa bao giờ buồn hay tức giận đến như vậy khi nghĩ về hàng thập kỷ chúng ta đã lãng phí để tranh cãi xem liệu biến đổi khí hậu có thật hay không. Rõ ràng biến đối khí hậu đã ở đây, nếu không hành động, tình hình sẽ tồi tệ hơn, ông Shaw nói.