Ngăn "ma men" lộng hành dịp cuối năm
CSGT xử lý hơn 13.000 “ma men” sau 3 tuần ra quân Hải Dương: Mạnh tay không có ngoại lệ khi xử lý “ma men” Phạt mức rất cao “ma men” không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát 141 |
Liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn Hà Nội do uống rượu bia
Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn Hà Nội mà nguyên nhân chính là do “ma men” gây ra. Mới đây nhất là vụ tai nạn liên hoàn ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) xảy ra vào ngày 10/12. Thông tin bước đầu về vụ tai nạn, lực lượng chức năng cho biết, tài xế đã vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung.
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 10/12 |
Cụ thể, vụ tai nạn diễn ra trước số nhà 306C phố Bạch Mai, giữa xe ô tô biển kiểm soát 30G-111.52, do anh N.T.Đ (sinh năm 1976; ở số 26/4 Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) điều khiển, đâm va liên hoàn nhiều xe mô tô đang dừng đỗ và di chuyển trên tuyến phố Bạch Mai. Vụ việc khiến 4 người bị thương. Qua kiểm tra, tài xế xe ô tô biển kiểm soát 30G-111.xx vi phạm nồng độ cồn là 0,501 miligam/lít khí thở.
Để tăng cường kiểm tra, thắt chặt an ninh, bảo đảm an ninh trật tự dịp cuối năm, trung tuần tháng 12, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã triển khai nhiều tổ công tác 141/Công an thành phố phối hợp cùng công an địa bàn.
Ghi nhận, trên các tuyến phố trung tâm các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy…, các tổ công tác đã phát hiện và ngăn ngừa nhiều lái xe sử dụng bia, rượu. Qua kiểm tra, máy đo nồng độ cồn cho ra kết quả nhiều trường hợp vượt xa mức kịch khung 0,4 mlg/lít khí thở.
Trường hợp anh N.L.H (sinh năm 1982; ở phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe máy bị phát hiện vào 20h20 ngày 13/12 tại khu vực Cầu Giấy cho ra kết quả nồng độ cồn cao nhất, với 0,79 mlg/lít khí thở.
Cùng thời điểm trên, tại khu vực phố Liễu Giai, quận Ba Đình, tổ công tác Y1/141 Công an thành phố phát hiện hàng loạt trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Anh N.C.H. (sinh năm 1980; ở quận Đống Đa, Hà Nội) điều khiển xe máy có biểu hiện bất thường đã bị tổ công tác yêu cầu dừng xe, kiểm tra. Kết quả nồng độ cồn của anh H là 0,654 mg/khí thở. Đây là mức nồng độ cồn rất cao, gấp 1,6 lần mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ.
Trên tuyến phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, tổ công tác Y5/141 Công an thành phố Hà Nội cũng phát hiện xử lý trường hợp anh P.T.H (sinh năm 1983; ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe máy vi phạm mức 0,582 mlg/lít khí thở, vượt mức kịch khung.
Riêng trong đêm 13/12, Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Ba Đình) phối hợp với Công an phường Liễu Giai và Cống Vị đã kết hợp cùng Tổ công tác Y1/141 Công an thành phố lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên trục phố Phan Kế Bính tiếp giáp với phố Liễu Giai. Lực lượng liên ngành của quận Ba Đình cũng đã xử lý hàng loạt trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn. Khi bị xử lý, người vi phạm đưa ra “nghìn lẻ một” lý do để biện minh nhưng đều bị xử lý nghiêm.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tăng cường xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn dịp trước, trong và sau Tết, không có vùng cấm, không ngoại lệ.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn một người tham gia giao thông |
Tăng cường xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn
Không chỉ riêng Hà Nội, thời điểm cuối năm, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn tại các tỉnh, thành phố lớn có dấu hiệu tăng mạnh. Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, sau 2 tuần thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 15/11 - 29/11), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 19.888 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. So với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm tăng 2.468 trường hợp (tăng 14,2%).
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn lái xe vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử phạt. Con số trên cho thấy vấn nạn “ma men sau tay lái” đang lộng hành trở lại và ngày càng “nóng” vào dịp cuối năm.
Điều đáng nói, dù đã có chế tài xử lý nghiêm, song tình trạng tài xế uống rượu, bia lái xe gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông vẫn gia tăng. Rất nhiều trường hợp say xỉn khi lái xe đã phải chịu những mức xử phạt tương xứng. Thậm chí không ít trường hợp phải trả giá bằng chính cuộc đời của người vi phạm, bằng mạng sống của những nạn nhân. Nỗi ám ảnh, hối hận theo đuổi họ suốt cả cuộc đời. Vậy mà "ma men" sau tay lái vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, cần ứng dụng công nghệ trong việc làm cơ sở để cơ quan chức năng xử lý. Các quán rượu bia có thể lắp camera để giám sát tất cả người vào quán uống rượu bia, từ quán ra mà lái xe đi chỉ 1-2m là có thể phạt nguội. Không chỉ dựa vào camera tại các hàng quán, cơ quan chức năng cần lắp đặt camera giám sát để trích xuất làm cơ sở để xử lý vi phạm, nâng cao tính giáo dục, chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân.
Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, cơ quan Nhà nước đã nghiêm cấm cán bộ, người lao động sử dụng rượu bia khi chưa hết ngày làm việc. Tiến tới các tổ chức, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, nắm bắt thông tin cán bộ, người lao động vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn để cùng tuyên truyền, giáo dục, hoặc có hình thức xử lý đích đáng, nhằm ngăn chặn các hành vi này tái diễn.
Trên hết, chúng ta phải làm sao để văn hoá giao thông đến với từng nhà, để mỗi người dân phải biết quý trọng tính mạng, cuộc sống, hạnh phúc gia đình mình, có ý thức đối với cộng đồng xã hội, để mỗi người đều ghim trong tâm trí thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe".