Ngành Bảo hiểm xã hội nỗ lực vì an sinh xã hội
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông trong giải quyết thủ tục hành chính, ngành BHXH đã từng bước phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp
Bài liên quan
Bảo hiểm xã hội Hà Nội đổi tên miền truy cập
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm
Hà Nội điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không có bảo hiểm
BHXH Việt Nam không ngừng nỗ lực đảm bảo quyền lợi của người dân
Hiện đại hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH
Đẩy mạnh giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Đổi mới để phục vụ tốt hơn
2019 là năm khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH. Đây cũng là năm tập trung hoàn thiện hàng loạt các đề án, dự án về công nghệ thông tin, đổi mới phong cách phục vụ với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành BHXH “nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, ngành BHXH đã xác định rõ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần tập trung cao độ, quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, BHXH Việt Nam đặt ra 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, về công tác thu, chi và phát triển đối tượng, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, bao phủ BHYT của địa phương, hoàn thành kế hoạch thu theo niên độ, tiếp tục giảm mạnh nợ BHXH.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách, ngành BHXH cũng tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng vùng miền, nhóm đối tượng, thu hút được nhóm đối tượng là nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH, BHYT; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.
Điểm nhấn của ngành BHXH trong năm 2019 vừa qua là việc tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp qua các tổ chức dịch vụ công ích, qua ATM nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân. Đồng thời, ngành tiếp tục kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh có cảnh báo từ hệ thống thông tin giám định hay đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định.
Đặc biệt, trong năm qua, BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu khối các cơ quan thuộc Chính phủ về thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin… được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận.
Nếu như năm 2011, số lượng thủ tục hành chính của ngành là 263 thì đến nay chỉ còn 28 thủ tục đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, trang tin điện tử của BHXH các tỉnh. Trong từng thủ tục, các quy định về mẫu biểu, hồ sơ cũng như quy trình giải quyết cũng được đơn giản hóa tối đa, thời gian giải quyết được rút ngắn. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, vận hành hệ thống một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ…
BHXH thành phố Hà Nội không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính |
Trong ba năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; quản lý tập trung cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Kết quả, từ năm 2019, BHXH Việt Nam đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến với tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 47,72 triệu hồ sơ…
Ngoài ra, trong năm 2019, ngành BHXH cũng tiếp tục thực hiện kết nối liên thông dữ liệu với Chính phủ và các Bộ, ngành, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT…
Đảm bảo an sinh xã hội bền vững
Cùng với BHXH Việt Nam, trong những năm qua, BHXH thành phố Hà Nội cũng không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng ngành ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Hà Nội là địa phương có mật độ dân số cao với hơn 8 triệu người. Theo báo cáo của BHXH Hà Nội, hiện toàn thành phố có 63.480 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, gần 52 nghìn doanh nghiệp và 205 cơ sở y tế khám chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.
Hà Nội cũng là địa phương có số tiền chi trả và đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất cả nước nhưng luôn đảm bảo chi trả kịp thời, chính xác, an toàn, không để xảy ra thất thoát. Toàn thành phố, số tiền chi trả trung bình là 2.400 tỷ đồng/tháng cho gần 600 nghìn đối tượng thụ hưởng; số người có thẻ BHYT trên 7 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT gần 90% dân số.
Bên cạnh đó, một số nhóm duy trì tốc độ tăng nhanh qua các năm như đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, đối tượng cận nghèo; nhất là đối tượng học sinh, sinh viên (năm 2012 là 81,3%) đến nay là 1.529.425 người (đạt trên 90,8%), tăng 293.773 người so với năm 2012. Ngoài ra, hình thức tham gia BHXH tự nguyện ngày càng linh hoạt và thuận lợi hơn nên tỷ lệ tham gia tăng dần qua các năm, từ 13 nghìn người (năm 2012) đến nay là gần 24 nghìn người.
Để tạo thuận lợi cho người lao động, nhân dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, nhất là nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT, thành phố đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu. Đến nay, toàn thành phố đã có trên 1.400 điểm thu của gần 700 đại lý với gần 2 nghìn nhân viên. Đại lý thu bao gồm UBND các xã, phường, thị trấn, hệ thống bưu điện, các trạm y tế, một số hội đoàn thể như phụ nữ, nông dân… Trung bình mỗi địa bàn xã, phường, trị trấn có từ hai điểm thu trở lên, một số nơi phát triển tốt có 4 - 5 điểm thu.
Nhằm xây dựng hệ thống hiện đại, chuyên nghiệp, những năm qua, BHXH thành phố luôn xác định công tác ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính là đòn bẩy để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, trước đây, khi thực hiện công việc thủ công, thường có tình trạng khiếu nại về việc thất lạc hồ sơ, giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Đến năm 2012, UBND thành phố đã đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận một cửa tại trụ sở BHXH Hà Nội và BHXH các quận, huyện, thị xã.
Từ dự án của thành phố, tại BHXH thành phố Hà Nội và 30 quận, huyện, thị đã có hệ thống một cửa được trang bị đầy đủ thiết bị máy vi tính, máy in, màn hình cảm ứng tra cứu thủ tục hành chính, hệ thống xếp hàng tự động, phần mềm để tác nghiệp phục vụ việc tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ, tạo thuận lợi cho khách đến giao dịch. Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa đã mang lại sự thuận tiện cho người dân, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu của viên chức khi thực thi công vụ.
“Mục tiêu cao nhất, xuyên suốt của BHXH thành phố Hà Nội là phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Vì vậy, trong thời gian tới, BHXH thành phố sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm do BHXH Việt Nam, UBND thành phố giao”, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội nhấn mạnh.