Ngành chăn nuôi thú y “ăn nên làm ra”
(TTTĐ) “Chăn nuôi thú y đang là ngành “hot” nhất và được trả lương cao nhất. Chúng tôi tuyển một kế toán, trả lương 6-8 triệu đồng là có được người xuất sắc, trong khi đó tuyển một người học chăn nuôi thú y, trả lương 20 triệu đồng vẫn bị…bấp bênh”, TS. Trần Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh BMG chia sẻ thẳng thắn tại Ngày hội việc làm.
Người thất nghiệp, kẻ lương cao
Sự có mặt của hàng trăm doanh nghiệp trong Hội chợ Việc làm sáng 14/5 diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thu hút hàng nghìn sinh viên tới tham gia và ứng tuyển. Nhiều sinh viên tham dự hội chợ lo ngại về vấn đề việc làm khi ra trường, đặc biệt là trước yêu cầu về kinh nghiệm của nhà tuyển dụng. Trả lời những băn khoăn này, ông Trần Đức Hạnh chia sẻ: “Các nhà tuyển dụng không cần kinh nghiệm của các bạn. Hầu hết doanh nghiệp chúng tôi không tuyển dụng những người đã ra trường cách đây 2-3 năm, bởi chúng tôi muốn viết lên một trang giấy mới từ đầu. Các em có khả năng tiếp thu kiến thức trong trường rất tốt nhưng chuyên môn thực tế mới chỉ đạt tối đa 2 điểm. Những thứ mà bà con nông dân cần nhất thì chúng ta đang thiếu. Vì vậy, chúng tôi chuyển giao công nghệ, đầu tư nhà máy hàng nghìn tỷ đồng, nên rất cần các em có lòng tin để lĩnh hội”.
TS. Trần Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh BMG
Theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông - lâm - ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Trong đó, nhóm ngành chăn nuôi thú y dự đoán sẽ thiếu nguồn cung rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực chăn nuôi thú, sức khỏe thú nuôi cung cấp thực phẩm và thú cảnh tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao.
Tại Ngày hội nghề nghiệp chăn nuôi - thú y lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam, PGS-TS Võ Thị Trà An, Trưởng bộ môn khoa học sinh học thú ý, Khoa Chăn nuôi - thú y trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, ngành chăn nuôi chiếm 27% GDP của ngành nông nghiệp, đóng góp 6% GDP của cả nước. Tuy vậy, lực lượng nhân lực trình độ cao trong ngành này hiện vẫn còn thiếu và yếu.
Sở dĩ có ít bạn trẻ chọn ngành học này vì họ cũng như gia đình chưa hình dung được học ngành chăn nuôi - thú y ra trường sẽ làm gì, thu nhập khá không, nhu cầu xã hội trong ngành này ít hay nhiều?
Nói về cơ hội việc làm cho những kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y khi ra trường, PGS-TS Dương Duy Đồng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM khẳng định trong vòng 5 năm tới, chắc chắn lực lượng này sẽ không bị thất nghiệp. Lý do là hiện nay có rất ít nơi đào tạo ngành chăn nuôi - thú y trong khi nhu cầu xã hội ở ngành nghề này là rất cao. “Mỗi năm, trường chúng tôi đào tạo từ 250 - 300 kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y và các bạn đều tìm được việc làm vừa ý với mức lương từ 5 triệu đồng trở lên. Nhu cầu tuyển dụng của các công ty trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y hiện rất cao do nhà trường thường xuyên liên kết với các đơn vị này để giúp sinh viên có nơi thực tập, học việc nên nắm rất rõ nhu cầu thị trường”.
Ông Huỳnh Công Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Mebipha, đơn vị chuyên sản xuất thuốc thú y cho biết trong số trên 200 lao động tại công ty, thì có đến 30% lao động là kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y được đào tạo từ các trường đại học.
Hái ra tiền từ việc chăm sóc thú cưng
Bạn Vũ Quỳnh Dao (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng: “Mình tốt nghiệp nghành chăn nuôi thú y được 2 năm rồi nhưng không có cơ hội để làm công việc theo đúng chuyên nghành. Các bạn cùng khóa với mình hầu như đều làm nghề tay trái”.
Những thú cưng đang được điều trị nội trú tại phòng khám
Thực tế, ngoài các công việc tại các cơ sở nghiên cứu và các trung tâm chuyên về chăn nuôi thú y, các bạn có thể tìm thấy cơ hội việc làm từ nhiều hình thức liên quan khác. Ví như, vài năm gần đây, khi trào lưu nuôi thú cưng nở rộ trong giới trẻ, thì các dịch vụ về chăm sóc thú cưng cũng theo đó ăn nên làm ra. Hiện ở các thành phố lớn có rất nhiều khu vực, tuyến đường chuyên kinh doanh thú cưng náo nhiệt, sầm uất. Các dịch vụ chăm sóc thú cưng như: tắm gội, cắt tỉa lông, khám chữa bệnh… cũng đang làm hao tốn không ít tiền bạc của các “thượng đế” yêu thích thú cưng. Gói dịch vụ bao gồm: Tắm, mát-xa, sấy lông, cắt móng chân, lấy ráy tai có giá khoảng 350 – 500 nghìn đồng/thú cưng. Riêng cắt tỉa, chăm sóc lông theo catalogue giá lên đến 1 triệu đồng/con. Còn dịch vụ lưu trú khách sạn cao cấp dành cho chó, mèo… như có máy lạnh, máy sát trùng, máy lọc, chuồng inox không gỉ nhập từ nước ngoài có giá phòng trung bình 200.000 đồng/ngày vẫn kín nhu cầu, đặc biệt dịp lễ, Tết. Ngoài ra, dịch vụ huấn luyện nội trú và tại nhà cho các loại chó lớn cũng đang hút khách và tùy theo thời gian, mục đích, kỹ năng… chi phí lên đến 15-20 triệu đồng/khóa. Các dịch vụ này hầu như không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao mà chỉ cần có hiểu biết về chăn nuôi thú y là các bạn có thể hành nghề.
Bên cạnh đó, các trung tâm chăm sóc thú y cũng mọc lên như “nấm sau mưa”. Phòng khám thú y của bác sĩ Thanh Hà nhộn nhịp người dẫn thú cưng ra vào. Bằng tình yêu động vật, chị Hà theo học và tốt nghiệp ngành bác sĩ thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi ra trường, không xin được việc tại các cơ sở công lập, chị quyết định mở phòng khám thú y tại nhà riêng. Chị Hà cho hay, mỗi ngày có khoảng 20 chú chó, mèo được đưa đến để gặp bác sĩ điều trị các bệnh đường ruột, tiêu chảy, hạch bã đậu, triệt sản…. Hiện tại, chị dành căn phòng 30 m2 để điều trị nội trú cho thú cưng với mức giá 300 – 400 nghìn đồng/ thú/ ngày. Hiện, phòng khám của chị có 5 chú chó và 4 chú mèo đang được chăm sóc đặc biệt. Có trường hợp một chú chó bị cụt hai chân vì bị xe cán đã ở lại với chị suốt 6 tháng qua. Công việc mỗi buổi sáng của nữ bác sĩ là kiểm tra sức khỏe, làm thuốc cho “bệnh nhân” rồi chế biến thức ăn cho từng trường hợp. Tuy vất vả nhưng đối với chị công việc này mang lại nhiều niềm vui cho cuộc sống.
Chị Hà chia sẻ: “Theo mình làm nghề gì cũng cần có tình yêu để có thêm động lực làm việc, để không còn áp lực với công việc đó. Nghề bác sĩ thú y cũng vậy. Chỉ cần yêu nghề, yêu động vật thì ở đâu bạn cũng có thể làm việc được. Với một đất nước có đến 70% là nông dân sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt thì các bạn chẳng bao giờ phải lo nghĩ đến vấn đề việc làm trong ngành này”.
Không những khám bệnh và điều trị tại cơ sở, chị còn nhận đỡ đẻ cho nhiều chú chó, mèo tại nhà khách hàng không kể ngày đêm. Với lượng “bệnh nhân” đều đặn, mỗi tháng phòng khám của chị thu về vài chục triệu đồng.
Nhận định về thị trường lao động ngành chăn nuôi thú y, chị Hà cho rằng: “Thỉnh thoảng đọc báo, lướt facebook, tôi thấy nhiều em học thú y than thất nghiệp. Tôi nghĩ học ngành nghề nào cũng sẽ có cơ hội phát triển riêng. Không làm Nhà nước thì mình làm tư nhân. Nếu các em năng động, sáng tạo và có kiến thức chuyên môn vững vàng để phát triển năng lực bản thân trong ngành nghề đó thì không bao giờ phải lo lắng về chuyện thất nghiệp”.
Diệu Linh