Ngành dệt may chủ động thích ứng trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19
Nâng cao tính chủ động trong nguồn nguyên liệu
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Lê Tự Lực cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã tăng 13,85% so với năm 2017, lên tới 36,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện vẫn là việc phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu. Giải quyết triệt để bài toán này, chủ động được sản xuất khép kín cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dệt may có thể bước tiếp trong hành trình nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu.
Trong năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, trước nguy cơ giá nguyên liệu tăng đến 30 - 40% và đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong nước phải chuyển sang sử dụng xơ sợi tái chế mới chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước khoảng 80%, 20% còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Nhờ vào việc chủ động nguồn nguyên liệu nội địa, các tập đoàn lớn dệt may của Việt Nam đã vượt qua khó khăn thách thức của đại dịch COVID-19. Năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại.
Năm 2022 là thời điểm mà các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu xơ sợi dự kiến đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2021 là 5,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021.
Lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ sợi lớn thứ 6 thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu lớn như hiện nay cũng như đối với thị trường trong nước, ngành dệt may Việt Nam có một vai trò vô cùng quan trọng đóng góp cho việc tăng trưởng kinh tế của quốc gia và giải quyết việc làm cho 5 triệu lao động trên cả nước với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.
“Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn”, ông Lê Tự Lực nhấn mạnh.
Sau tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Đồng thời, tìm cách thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới như đa dạng hóa dòng hàng, thị trường; ứng dụng cơ chế thanh toán mới khác cách mua bán truyền thống trước đây.
Đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hoá
Đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng nhanh…
Thị trường các nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đa phần là thị trường đẳng cấp và khó tính, có yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, truy suất nguồn gốc, hàm lượng tái chế, tiêu chuẩn lao động (chống lao động cưỡng bức, lao động trẻ em…).
Ảnh minh hoạ |
Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) khẳng định: "Qua thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng đã thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới, ngoài việc đa dạng hóa dòng hàng, thì còn đa dạng hóa thị trường cũng như thích ứng với nền tảng cơ chế thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây.
Việc các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được áp lực của thị trường".
Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, rất nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với những yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường nhiều giải pháp để phát triển.
Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, cơ hội đang mở ra rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.
Ông Lê Tự Lực cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may, nỗ lực phát huy vai trò là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội; có chức năng đề xuất, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp và dịch vụ đối ngoại của Thành phố.
Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam và nước ngoài.