Ngành Nông nghiệp tận dụng thời cơ bứt phá trong bối cảnh đại dịch
Tận dụng thời cơ
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong năm qua đã được xếp hạng vào Top 100 hệ sinh thái sáng tạo mới nổi trên thế giới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 đã tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Theo chia sẻ của các chuyên gia, Covid-19 đã và đang gây hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Dịch bệnh gây đứt gãy các chuỗi sản xuất, thương mại, làm hạn chế sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế cũng như dẫn tới sự khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ và dễ bị tổn thương, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, hệ sinh thái khởi nghiệp cũng có những cơ hội và đón nhận những dấu hiệu tích cực nhờ những quyết sách ứng phó của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.
Website thương mại điện tử chonhaminh.gov.vn được xem là cầu nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng |
Các xu hướng và việc thực thi chính sách giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể thích ứng, chuyển đổi và bứt phá. Trong những điểm sáng của phong trào “khởi nghiệp thời Covid-19”, có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp non trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp đã chọn các yếu tố sáng tạo, đổi mới và đặc biệt chọn công nghệ để bắt đầu sự nghiệp của mình.
Các doanh nghiệp đã nghiên cứu, áp dụng ngay những công nghệ mới, cách sản xuất mới, bán hàng mới… trên cơ sở tối thiểu chi phí, tối đa lợi nhuận. Họ cùng chia sẻ những nền tảng công nghệ mới để phát triển doanh nghiệp mình nhanh hơn, trong bối cảnh đại dịch vẫn đang gây nhiều thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu và đặt ra nhiều thách thức cho những cách kinh doanh bán hàng truyền thống.
Theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020 do Startup Blink - Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Những tín hiệu khả quan
Với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng, cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động đã giúp cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp kiên cường vượt lên khó khăn, thử thách để “chống chọi” với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp liên tiếp chứng kiến những chuyến hàng xuất khẩu gạo, tôm với mức giá khả quan, thậm chí giá lô gạo xuất khẩu đầu tiên của năm lên đến 705 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, Hà Nội là địa phương có khối lượng tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước. Nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp bán hàng qua các kênh phân phối hiện đại, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô tổ chức kết nối trực tiếp nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn thành phố; Tổ chức giới thiệu, quảng bá, kết nối trên chợ thương mại điện tử https://chonhaminh.gov.vn.
Nhiều nông sản thực phẩm các địa phương được các đơn vị Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá người tiêu dùng Thủ đô biết đến, ưu tiên lựa chọn, các sản phẩm được doanh nghiệp, siêu thị Hà Nội hỗ trợ kết nối, tiêu thụ.
Công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố cũng được chú trọng; Hỗ trợ giới thiệu kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản cho các địa phương có khó khăn tiêu thụ trong mùa vụ, đặc biệt để ổn định tình hình tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Các sản phẩm rau hữu cơ của HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) |
Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối cho biết: "Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng phải đóng cửa, nên việc tiêu thụ rau của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua hình thức bán hàng trực tuyến (online), tình hình tiêu thụ rau của hợp tác xã bắt đầu ổn định, trung bình mỗi ngày tiêu thụ được 2 - 3 tạ rau. Qua đó, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất rau hữu cơ vẫn “sống khỏe” trong mùa dịch".
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |